Xã Hoàng Hanh: Canh tác hiệu quả nhờ dồn ô đổi thửa

Mùa xuân này, đến thăm vùng bãi ngút ngàn một màu xanh non của ngô ở xã Hoàng Hanh (Tiên Lữ), vẫn những con đường quen thuộc từ trong làng ra cánh đồng bãi, vẫn những nông dân đang chăm sóc ngô… nhưng chúng tôi không còn thấy những vồng ngô dài tít tắp cả vài trăm mét chạy thẳng ra đến tận bờ sông Hồng. Tạo ô thửa mới, dồn gọn đồng ruộng đã và đang đem lại niềm vui thực sự cho mỗi nông dân nơi đây.

Năm 1993, khi thực hiện giao ruộng lâu dài cho nông dân, bình quân mỗi nhân khẩu được nhận hơn 1,5 sào ruộng nhưng mỗi hộ trong xã Hoàng Hanh được nhận cả thảy 8 - 10 lô ruộng. Xã nằm trọn ngoài bãi sa bồi, nền ruộng không bằng phẳng nên phải chia thế mới đều. Đến năm 2003, dù đã dồn thửa, đổi ruộng nhưng bình quân vẫn còn tới 4 - 5 lô mỗi hộ. Có những lô, một hộ gia đình chỉ trồng vừa đủ một vồng ngô chạy dài 270m, tương ứng 200 – 230m2 ruộng. Việc chăm sóc vô cùng khó khăn, vất vả, khi thu hoạch càng nhọc nhằn hơn bởi không chỉ thu bắp mà còn phải dọn sạch cây lên bờ. Đưa cây ngô lên vai quay ngang không được, vác dọc chẳng xong. Liên tục xã, huyện, tỉnh đưa về những giống ngô mới có tiềm năng năng suất cao hơn, rồi đưa khoa học kỹ thuật tiến bộ vào ứng dụng nhưng năng suất ngô thực tế không lên được nhiều bởi sự chăm sóc không đồng đều, nhiều khi nơi xa quá bị bỏ bẵng. Toàn xã có khoảng 638 mẫu đất canh tác thì ngô là cây trồng chủ lực với khoảng 420 mẫu. Cuộc sống của người dân chưa cải thiện được một phần bởi trong sản xuất nông nghiệp không có hệ thống thủy lợi để chủ động tưới, tiêu, phần khác do thửa ruộng canh tác chưa phù hợp.

 

 

Biết rõ đất đai vùng bãi bồi màu mỡ và cả những nguyên do vì sao chưa khai thác tốt lợi thế đó, năm 2010 Đảng ủy xã Hoàng Hanh họp bàn và ra nghị quyết chuyên đề về việc dồn gọn lại ruộng theo hướng rút ngắn chiều dài các thửa ruộng của mỗi hộ. Chỉ có như vậy thì việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch ngô của nông dân mới thuận lợi, là tiền đề để nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi. Nghị quyết được triển khai tới các chi bộ, các thôn, trong đó thôn An Châu 1 được chọn làm điểm để rút kinh nghiệm rồi nhân rộng trong toàn xã. UBND xã thành lập Ban chỉ đạo dồn gọn ruộng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Cấp ủy, chính quyền thôn phối hợp với Ban chỉ đạo xã tính toán diện tích của từng hộ, số lượng các hộ nhận ruộng, lên phương án dồn gọn ruộng để làm cơ sở triển khai tới dân. Ông Dương Công Tác, Phó bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Châu 1 cho biết: “Từ nghị quyết của Đảng ủy xã, chi bộ họp bàn và có nghị quyết chia dồn ruộng theo hướng quay vuông mỗi thửa ruộng hộ được nhận. Phương án của thôn là chia các thửa ruộng lớn thành những vạt ruộng quay ngang, có chiều dài không quá 50m. Trên cơ sở diện tích ruộng của mỗi hộ và vị trí ruộng gắp phiếu được sẽ chia theo chiều ngang của vạt ruộng. Cứ hai vạt ruộng có một lối đi chung ở giữa do mỗi hộ bỏ ra 1m bám theo chiều rộng ruộng. Phương án này được họp bàn tại chi bộ nhưng nhiều đảng viên lo ngại không thể làm được vì sẽ có hộ ruộng xa, ruộng gần, rồi mặt bằng ruộng không đồng đều. Vậy là, chi bộ phải bàn bạc, tuyên truyền để bản thân đảng viên thấm, ngấm trước, sau đó họp tới 4 -5 cuộc họp toàn thôn để tuyên truyền. Chi bộ phân công cho tất cả 32 đảng viên, mỗi đảng viên phụ trách một nhóm 10 – 15 hộ để tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân ủng hộ. Đến khi được 70% số hộ đồng tình cũng là lúc thu xong ngô vụ đông năm 2010, thôn tiến hành chia ruộng gọn lại ở những khung ruộng đầu tiên, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ tiếp tục ủng hộ và chia ruộng xong cho toàn bộ 247 hộ dân trong thôn trước khi vào sản xuất vụ ngô mới”.

Bước sang năm thứ hai được canh tác trên thửa ruộng mới đã vuông vức gấp nhiều lần trước đây, trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lý Thị Thơm thật thà kể về việc khi thôn triển khai chủ trương dồn gọn ruộng bà tỏ ý ái ngại cho rằng đất không đồng đều, sợ chỗ tốt, chỗ xấu thì làm ăn còn khó khăn hơn. Khi được cán bộ đảng viên tuyên truyền, vận động nhiều lần là sẽ dễ chăm sóc hơn, dễ làm hơn và năng suất cũng sẽ tăng lên thì bà mới ủng hộ. Càng làm càng thấy hiệu quả hơn, đó là những lời bộc bạch tự đáy lòng của nông dân nơi đây – những người chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi. Đang giữa thời kỳ chăm bón cho ngô, thấy nông dân không còn phải gánh gồng tưới ngô đi cả quãng đường dài vài trăm mét như trước, nhà nào nhà nấy chuyển cả xe thồ phân bón ra đầu ruộng, thuận tiện cho việc chăm sóc, mà chúng tôi thấy như chính đôi vai mình được nhẹ nhõm hơn. Bà Đào Thị Tú phấn khởi: “Nay chăm sóc gần 4 sào ngô đơn giản hơn trước nhiều, chiều dài ruộng chỉ còn 37m, chiều ngang rộng ra thành 37 m, xe đạp chở phân bón xuống tận đầu ruộng giúp cho việc chăm bón dễ dàng, ruộng cũng bớt ghềnh hơn bởi việc san gạt ruộng thuận lợi. Vì thế mà dù ruộng hẹp đi so với trước 37m2 do góp làm đường đi chung nhưng năng suất ngô vẫn cao hơn trước tới 20 – 30kg/sào. Tưởng mất ruộng là thiệt nhưng thực tế lại lợi hơn về rất nhiều mặt”.

Cách làm và hiệu quả canh tác trên những thửa ruộng mới ở thôn An Châu 1 đã khẳng định nghị quyết của Đảng ủy xã, của chi bộ thôn An Châu 1 là hợp lòng dân. Bởi thế, kinh nghiệm trong quá trình triển khai đưa nghị quyết của Đảng ủy xã, chi bộ thôn An Châu 1 về việc dồn gọn ruộng vào cuộc sống nhanh chóng được nhân rộng trong những tháng cuối năm 2011 để từ vụ ngô xuân 2012 toàn xã Hoàng Hanh có trên 90% số hộ được canh tác trên thửa ruộng vuông vắn hơn, chỉ còn một phần diện tích của thôn An Châu 2 do cận vụ ngô xuân nên chưa dồn gọn kịp. Việc dồn gọn ruộng ở xã Hoàng Hanh không chỉ một mục đích nâng cao hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích, giảm sức lao động cho nông dân mà còn là một bước trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất bãi để nâng cao mức sống người dân trong xã. 

Theo baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
140 người đang online