Giới thiệu chung

1.1. Lịch sử hình thành

 Theo những nguồn sử liệu cổ xưa, mảnh đất Tiên Lữ có từ rất sớm. Thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất này thuộc quận Giao Chỉ rồi nằm trong Giao Châu vào đầu thiên niên kỷ trước. Thế kỷ X, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, được gọi là Mạc Liên sau chuyển thành Cư Liên thuộc đất Đằng Châu. Thời Tiền Lê nằm trong Khoái Lộ. Thời nhà Lý chia cả nước thành 24 lộ, thuộc lộ Khoái Châu. Đời Trần Thái Tông (năm Nhâm Dần 1252) gọi là huyện Tiên Hoa thuộc phủ Khoái Châu. Thời Hậu Lê gọi là huyện Tiên Lữ phủ Khoái Châu. Năm Quang Thuận thứ X (1469) huyện Tiên Lữ thuộc Sơn Nam. Năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) huyện Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu vùng Sơn Nam thượng. Thời Nguyễn năm 1831, tỉnh Hưng Yên được thành lập, huyện Tiên Lữ thuộc phủ Tiên Hưng. Năm 1890, thành lập tỉnh Thái Bình, huyện Thần Khê chuyển về tỉnh Thái Bình, phủ Tiên Hưng còn lại 4 huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ, Duyên Hà, Hưng Nhân.

 

Năm Thành Thái thứ 6 (1894) chuyển huyện Tiên Lữ, Phù Cừ về phủ Khoái Châu, phủ Tiên Hưng còn lại 2 huyện Duyên Hà, Hưng Nhân nhập vào phủ Thái Bình. Năm 1947 huyệnVăn Giang (Bắc Ninh) chuyển về Hưng Yên, lúc này huyện Tiên Lữ là một trong 9 huyện của tỉnh Hưng Yên.

Ngày 26/01/1968 hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng , huyện Tiên Lữ thuộc tỉnh Hải Hưng.

Ngày 11/3/1977 hợp nhất huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ thành huyện Phù Tiên.

Ngày 06/11/1996 tách tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương theo địa giới hành chính cũ. Ngày 01/01/1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập.

Ngày 24/3/1997 tách huyện Phù Tiên thành 2 huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ theo địa giới hành chính 20 năm trước.

Thủ phủ của huyện từ xa xưa- thời Pháp thuộc đóng trên đất Đào Đặng. Đầu thế kỷ XX đóng trên đất Thuỵ Lôi. Ngày nay đóng trên đất thị trấn Vương (phố Giác cũ, giáp  giới  2  xã  Ngô  Quyền,  Dị Chế).

1.2 Văn hóa-du lịch

Toàn huyện có 13 đền - đình được công nhận di tích lịch sử - văn hoá xếp hạng quốc gia

 

 1/ Đền An Xá xã An Viên thường được gọi là đền Đậu An là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đền được xây vào năm Thiên định nhị niên (năm thứ hai trước công nguyện). Đền có tháp Cửu Trùng được làm bằng đất nung thời Lý- Trần, được dựng trước cửa đền thượng cao 4,5m, bệ rộng 2m x 2m, có 9 tầng đều có mái hẹp lợp ngói cổ.

 

Khánh đá dài 2,5m nặng 1,2 tấn.

Quả chuông đồng đường kính 0,8m, cao 1,7m, nặng 880kg được đúc vào Triều đại Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm Quí Tị.

2/ Đình Nội Mai, xã An Viên là di tích lịch sử- văn hoá được xây dựng từ thời Tiền Lê.

3/ Đình Nội Lễ, xã An Viên là di tích lịch sử - văn hoá được xây dựng từ thời Lê (Lê Sơ).

4/ Đình Nội Thượng, xã An Viên là di tích lịch sử- văn hoá

Cả 3 ngôi đình Nội Mai, Nội Lễ, Nội Thượng đều được trùng tu vào cuối Triều Nguyễn cùng thời 2 vị "Nhị vị đại vương" Đô Công và Quảng Công vốn dòng dõi Lạc Long Quân có công phù giúp Vua Lê Thánh Tôn đánh tan giặc Chiêm thành sang xâm phạm  biên giới.

5/ Đền Nghĩa Chế, xã Dị Chế là di tích lịch sử- văn hoá thờ vong Ngô Vương Quyền, được xây dựng từ năm 944.

6/ Đền Dị Chế xã Dị Chế (đền Già) là di tích lịch sử - văn hoá, nơi thờ Thần hoàng làng "Thần Đông Hải" có công xây dựng làng Ché nơi thờ vong Ngô Vương Quyền.

Ngô Quyền là anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Nam Hán chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, giành độc lập. Đền Nghĩa Chế và đền Dị Chế thờ vong gia thất nhà Ngô gồm:

Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền)

Hậu Ngô Vương (Ngô Xương Văn)

Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập) và Nhất chính phi Dương Thị Như Ngọc (vợ Ngô Quyền)

7/ Đình- đền - chùa thôn Hải Yến, xã Hải Triều là di tích lịch sử- văn hoá. Đình thờ Thần Hoàng làng Nguyễn Thái Bảo người có công phù Hoàng Triều Thục An Dương Vương chống quân Triệu Đà nhà Tần. Đặc biệt có đền Cao Sơn thờ Đức Chiêu Công được xây dựng từ thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1743)

8/ Đền Triều Dương, xã Hải Triều là di tích lịch sử- văn hoá thờ Chiêu Công người có công giúp vua Thục đánh giặc Triệu bảo vệ đất nước. Đền được xây dựng,  trùng tu vào đời Nguyễn (Thành Thái).

9/ Đền Phủ Vị xã Phương Chiểu được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 có diện tích 1582m2 thờ Hoàng Diện thái chiêu nghi mẫu Nguyễn Thị Ngọc Toản cung phi Triều nhà Mạc (1527-1595) là di tích lịch sử.

10/ Đền Doãn Nỗ, xã Phương Chiểu là di tích lịch sử thờ Thượng tướng quân Doãn Nỗ là một trong 51 tướng lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Lam Sơn. Đền được xây dựng vào thời Lê thế kỷ 15, đến năm 1994 đền được trùng tu tôn tạo lại.

11/ Đình An Tào, xã Cương Chính là di tích lịch sử văn hoá thờ thần Hoàng làng, được xây dựng từ thế kỷ 16.

12/ Đình Bái Khê,xã Cương Chính là di tích lịch sử văn hoá thờ Trưng Vương Đông Tần Hồng Loan công chúa; được xây dựng tháng 2 năm Tự Đức thứ nhất.

13/ Phủ Điềm là di tích lịch sử văn hóa thờ 7 anh em họ Tạ người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Phủ Điềm

được xây dựng từ thời Hậu Lê.

 Hoạt động lễ hội:

1/ Hội Đậu An (Đền An Xá, xã An Viên): Đền thờ Thiên tiên, Địa tiên- tức là Trời và Đất). Trong đó có sự tích ông Đùng, bà Đà và diễn tích đánh Hổ biểu thị tinh thần thượng võ của nhân dân quyết tâm bảo vệ mùa màng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 6/4 đến ngày 8/4 âm lịch hàng năm. Ngày mồng 8 là ngày lễ hội chính (trước khi thu hoạch lúa chiêm xuân).

Tượng Thiên Tiên, Địa Tiên được đan bằng tre cao 5m (đầu 2 m, thân 3m) tay dài 2,5m. Tượng Thiên Tiên đan bằng 7 cây tre đủ cả ngọn mỗi cây trẻ làm 8 nan, thân tượng có 7 nan ngang, 32 nan dọc, 7 nút buộc. Tượng Địa Tiên đan bằng 9 cây tre, thân tượng có 9 nan ngang, 32 nan dọc, 9 nút buộc.

- 8 giờ sáng ngày 6/4 làm lễ dâng hương.

- Ngày 7/4 lúc 14 giờ rước tượng Thiên Tiên và Địa Tiên đặt tại cửa đình nhìn xuống giếng hơi đối diện nhau biểu thị sự tâm đồng ý hợp và cùng hẹn ước.

- Ngày 8/4 lúc 14 giờ rước cả tượng Thiên Tiên và Địa Tiên từ đền Thượng về Đình Vô nơi thờ Đức Ông Lỗ Quốc đến ruộng may miễu thì dừng lại và biểu diễn sự tích đánh hổ rồi rước quay về Đền Thượng.

2/ Hội Đền Vương (Đền Già) xã Dị Chế: Đền thờ gia thất Ngô Vương Quyền. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15/2 đến 16/2 âm lịch. Trong lễ hội có tục mổ trâu, làm bánh dày.

3/ Hội Phủ Điềm, xã Minh Phượng thờ 7 anh em họ Tạ người có công đánh đuổi giặc. Trong lễ hội có trò chơi vật cầu

 1.3. Vị trí địa lý:

          Huyện Tiên Lữ nằm ở phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc giáp huyện Ân Thi và Kim Động, Phía tây giáp thành phố Hưng Yên, Phía đông giáp huyện Phù Cừ và phía nam giáp tỉnh Thái Bình theo đường điạ giới là sông Luộc.

          Huyện Tiên Lữ có Quốc lộ 38, Quốc lộ 200 chạy qua, có sông Luộc, tạo cơ hội thuận tiện để giao lưu với bên ngoài bằng hệ thống đường bộ và đường thủy.

          Nằm ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Đặc biệt lại tiếp giáp với khu vực mới khai thác của thành phố, có nhiều vùng phát triển năng động sẽ là điều kiện thuận lợi cho Tiên Lữ tận dụng khai thác thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình…

1.4. Địa hình:

          Nằm ở vùng trũng của tỉnh Hưng Yên, toàn huyện không có đồi núi cao, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, song độ cao của đất đan xen nhau gây khó khăn cho công tác thủy lợi và cản trở đến quá trình cơ giới hoá nông nghiệp. Đặc biệt là tình hình ngập úng khi có lượng mưa lớn trên nhiều khu vực đã ảnh hưởng tới năng suất lúa mùa và mở rộng diện tích vụ đông

1.5. Khí hậu thủy văn:

          Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 4 mùa rõ rệt. Mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4. Mùa hạ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7. Mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình ở mùa Thu khoảng 24oC - 27oC, đây là mùa có nhiều mưa bão, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển sản suất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 180C - 240C.

          Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1680 - 1730 mm, có năm lượng mưa trên 2000 mm, do vị trí địa lý nên lượng mưa thường cao hơn các huyện phía Bắc tỉnh từ 100 - 200 mm và thường tập trung vào các tháng 8, tháng 9.

          Nằm kề hai sông Hồng và sông Luộc do vậy có điều kiện đảm bảo nguồn  nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu thoát nhanh khi có úng lụt.

          Nhìn chung, Tiên Lữ có điều kiện đất đai và khí hậu thuận tiện cho phát triển nông nghiệp đa dạng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống dân cư và phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả.

          Hạn chế về khí hậu - thủy văn là mùa đông khô lạnh thường thiếu nước và mùa mưa thường bị bão, gây ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa và vụ đông. Với những hạn chế này, đòi hỏi phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để sử dụng hợp lý quỹ đất, né tránh những bất lợi về khô hạn, đặc biệt là về ngập úng. Đối với sản xuất công nghiệp và các hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng chịu ảnh hưởng xấu của khí hậu - thủy văn, cần đề phòng và có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế thiệt hại.

1.6. Tài nguyên đất:

 

          Tài nguyên đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa và cây ăn quả của huyện phong phú, đây là yếu tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế của một huyện.

          Thổ nhưỡng của Tiên Lữ chủ yếu là đất phù sa được bồi và đất phù sa không được bồi.

          Đất phù sa được bồi phân bố chủ yếu ở ngoài đê ven sông Luộc, hàng năm được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cây hoa màu.

          Đất vùng trũng thuộc loại đất chua, đất thịt nặng, nghèo lân với PH từ 4,1 – 5,0; PH2 từ 4,6 -5,5( từ chua đến chua vừa) và P2O5 < 0,05% (nghèo). Nếu như có đủ hệ thống thủy lợi giải quyết úng kết hợp với các biện pháp kỹ thuật cải tạo đất tốt thì đất đai vùng này cũng có thể thích ứng cho nhiều loại cây lương thực, cây rau màu, cây công nghiêp, cho năng suất cao, khối lượng sản phẩm lớn không thua kém các vùng có trinh độ thâm canh khá.

Hiện trạng sử dụng đất của huyện Tiên Lữ năm 2010

 

Chỉ tiêu

Diện tích (ha)

 Tỷ lệ (%

Tổng số

9296,50

100

Đất nông nghiệp

6383,06

68,66

Đất ở đô thị

36,27

0.39

Đất ở nông thôn

854,94

9,2

Đất chuyên dùng

1286,99

13,84

Đất tôn giáo tín ngưỡng

20,02

0,22

Đất nghĩa trang nghĩa địa

103,80

1,12

Đất sông suối và MNCD

522,36

5,62

Đất phi nông nghiệp khác

0,75

0,01

Đất chưa sử dụng

88,31

0,95

 

          Theo kết quả tổng kiểm kê đất đai năm 2010, tổng diện tích đất tự nhiên (tổng quỹ đất) của huyện là 9296,5 ha. Đất nông nghiệp là 6383,06 ha chiếm 68,66 % diện tích đất tự nhiên của huyện . Đất chưa sử dụng 88,31 ha, chiếm tỷ lệ 0,95 % diện tích đất tự nhiên của huyện.

1.7. Dân số và nguồn nhân lực:

           Theo tổng điều tra dân số năm 2009 dân số toàn huyện là 97.804 người, Trong đó nam 47.403 người bằng 48,5% dân số toàn huyện, nữ  50.321 người bằng 51,5 % dân số toàn huyện. Mật độ dân số là 1052 người/km2, là huyện có mật độ dân số cao trong tỉnh.

          Tỷ lệ tăng dân số của huyện ở mức thấp dưới 1%/năm và duy trì ổn định trong 5 năm từ 2006-2010. Dân số thành thị là 4438 người tập trung ở Thị trấn Vương chiếm 4,53 % dân số toàn huyện, đa phần dân cư  tập chung ở nông thôn chiếm  95,47% dân số toàn huyện. Nguồn lao động trẻ dồi dào, số người từ 15 tuổi trở lên là 74.627 người, trong đó số người hoạt động kinh tế là 56.966 người chiếm 76,33% lực lượng lao động.

-Giáo dục-đào tạo

          Sự nghiệp GD-ĐT của huyện phát triển khá toàn diện; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GD đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng; các phong trào xã hội hóa giáo dục và thi đua xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Đến nay huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 98%; tốt nghiệp THPT đạt trên 80%. Học sinh THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt cao (30%/năm).

          Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được trang bị khá đầy đủ theo hướng chuẩn hóa. Tổng số phòng học bậc Tiểu học và THCS  được kiên cố cao tầng đạt 90%; số phòng học bậc mầm non được kiên cố và kiên cố cao tầng đạt 65%.

          Các trung tâm: Bồi dưỡng chính trị, hướng nghiệp dạy nghề, giáo dục thường xuyên đạt được nhiều kết quả trong việc đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trong huyện.

 

          - Y tế:

          Thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia , đề án của huyện về YT-DS-KHHGĐ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em  đã được thực hiện tốt. Ngành y tế  chú trọng công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch lớn xảy ra. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cơ sở  hành nghề y dược tư nhân thường xuyên được kiểm tra giám sát chặt chẽ. Cơ sở vật chật, trang thiết bị phục vụ  cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân thường xuyên được quan tâm đầu tư. Đến nay hệ thống y tế huyện duy trì 100% trạm y tế có bác sỹ, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 72.2%. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 15%.

 

          - Văn hóa thể thao

          Các hoạt động văn hóa-thể thao có chuyển biến tiến bộ, nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới bước đầu có kết quả. Các hoạt động  tôn giáo-lễ hội được tổ chức và quản lý theo quy định của pháp luật. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng. Năm 2010 huyện có 80% số làng, khu phố văn hóa. Phong trào TDTT rèn luyện sức khỏe, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

 

- An ninh-Quốc phòng:

          Trong thời gian qua, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của huyện đã được tổ chức, thực hiện toàn diện, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất xắc. Công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được làm tốt. Công tác nắm bắt tình hình cơ sở được thực hiện tốt đã giải quyết được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chủ động, tích cực hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

          Công tác tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ quốc phòng toàn dân nhất là trong đoàn viên thanh niên, học sinh, cán bộ chiến sỹ dân quân tự vệ và làm tốt chính sách hậu phương quân đội nên hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khám tuyển, gọi công dân nhập ngũ và xây dựng lực lượng huấn luyện quân dự bị động viên, dân quân tự vệ và tổ chức tốt việc diễn tập các phương án sẵn sàng chiến đấu.

2.6. Hệ thống kết cấu hạ tầng        

 

          * Giao thông vận tải

          Do việc đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông nông thôn, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên và khai thác các nguồn vốn nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã và các tuyến đường do huyện quản lý. Đến nay mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện tương đối tốt, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

 

          * Bưu chính viễn thông

          Mạng lưới Bưu chính viễn thông của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Các dịch vụ như vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, điện thoại, điện báo,...phát triển nhanh và đa dạng. Đến đầu năm 2010, số máy điện thoại bình quân/100 dân đạt 12 máy/100 dân

 

* Mạng lưới cấp điện

          Nguồn điện cung cấp cho huyện là đường dây 35 Kv qua trạm biến áp 2x25 MVA-110/35KV, nguồn điện cung cấp cho huyện được đảm bảo 24/24 giờ, đã khắc phục được tình trạng mất điện do quá tải và tổn hao lớn. Mạng lưới phân phối điện của các xã thường xuyên được cải tạo, nâng cấp. Đầu năm 2010 dự án năng lượng nông thôn II đã cơ bản hoàn thành lưới điện trung thế và hạ thế tại 03 xã. Nhìn chung, hệ thống cấp điện đã đáp ứng tốt  nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
79 người đang online