Dấu ấn 20 năm triển khai chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ

      Trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội  huyện Tiên Lữ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương.

      Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu năm 2003, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội  huyện đang triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến nay đạt hơn 313 tỷ đồng tỷ đồng, gấp 12,4 lần so với năm 2003.  Dư nợ bình quân đạt 66 triệu đồng/khách hàng, tăng 62 triệu đồng so với năm 2003. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai cho vay đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho trên 10 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 3 nghìn 583 lao động; giúp cho 7 nghìn 370 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 18 nghìn 145 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 284 ngôi nhà cho hộ nghèo; giúp 42 hộ gia đình thu nhập thấp được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa nhà để ở ổn định cuộc sống; 02 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 597 lượt người lao động; giúp 65 học sinh sinh viên có hoàn ảnh gia đình khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 01 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn để phục hồi và duy trì hoạt động. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

      Ông Phạm Thế Hanh, Phó Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện cho biết: : “Trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, nắm bắt tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên từng địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung cho vay các chương trình tín dụng và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, nghị định số 36 của chính phủ về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại ngân hàng chính sách giúp cho nhân dân có điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.”

      Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, công tác kiểm tra giám sát của các cấp các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách luôn được quan tâm, đã tập trung kiểm tra thực tế tại hộ vay, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót tồn tại, vì vậy chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao.

     Qua 20 năm triển khai Nghị định số 78, ngân hàng chính sách xã hội huyện đã không ngừng trưởng thành và phát triển, thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả  của tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện

Mai Hương- trung tâm văn hoá và truyền thanh huyện

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
112 người đang online