22/11/2010 | lượt xem: 2 Tổng quan chung 2.1. Tổng quan chung Phát huy những kết quả đã đạt được của thời kỳ đổi mới, trong những năm gần đây, kinh tế huyện tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện giai đoạn 2006-2010 duy trì ở mức khá cao đạt 14,1 %/năm, quy mô giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Trong đó ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,3%/năm; ngành công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 20,25%/năm; ngành thương mại dịch vụ tăng 20%/năm. Giá trị sản xuất của huyện năm 2010 đạt 1.379,5 tỷ đồng gấp 1,7 lần so với năm 2006. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 12,5 triệu đồng/người/năm Cơ cấu các ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ chuyển biến tích cực theo chiều hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Sự chuyển biến cơ cấu kinh tế từ năm 2006 đến 2010 khá rõ rệt, cơ cấu ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ năm 2006 tương ứng 40,57%-22,87%-36,56% đến năm 2010 là 29,7%-29,8%-40,5%. Tăng trưởng kinh tế nhanh và duy trì trong một thời gian dài, song huyện cũng luôn chú trọng đến việc đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng giao thông, quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, công tác bảo vệ môi trường...do vậy chất lượng cuộc sống của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng cao. 2.2. Ngành nông nghiệp Nông nghiệp có một vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của huyện thể hiện qua số lao động làm việc trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động của huyện; tỷ lệ này có chiều hướng giảm qua các năm song vẫn còn ở mức cao. Cơ cấu tỷ trọng giữa trồng trọt-chăn nuôi-dịch vụ chuyển biến theo chiều hướng tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi có giá trị kinh tế cao giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, cơ cấu tỷ trọng này năm 2010 là 49,3%-46,6%-4,1%. Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Lữ đã có buớc phát triển toàn diện theo chiều hướng phát triển nông sản hàng hóa, tăng tỷ trọng thực phẩm, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị canh tác, tốc độ tăng truởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 5,3%/năm. Các tiến bộ KHKT được ứng dụng rộng rãi, nhiều giống cây, con có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; đến năm 2010 năng suất lúa đạt 128 tạ/1ha/năm; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 560 kg/năm. * Về trồng trọt: Đã giành thắng lợi khá toàn diện cả về diện tích, năng suất và tổng sản lượng. Năm 2010 năng suất và sản lượng lúa đạt tương đối cao. Yếu tố cơ bản tạo nên năng suất cao là sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống, nhất là giống lai vụ chiêm xuân và vụ mùa. Trong nhiều năm, Tiên Lữ luôn phấn đấu đạt năng suất lúa ổn định và không thua kém năng suất lúa bình quân chung với các huyện khác trong tỉnh cũng như các tỉnh khác có điều kiện tương đồng. Năm 2010, năng suất lúa cả năm bình quân đạt 128 tạ/ha. Bên cạnh đó, giống cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho huyện phải kể đến cây nhãn. Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ cấu cây trồng, chuyển đất lúa kém năng suất sang trồng nhãn đã mang lại cho huyện những thành công bước đầu. Người dân phấn khởi làm ăn, cuộc sống đã được cải thiện hơn truớc. * Về Chăn nuôi: Chăn nuôi được mở rộng theo hướng công nghiệp, coi trọng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và xa khu dân cư. Hiện nay toàn huyện có 285 trang trại, các trang trại hoạt động ổn định, thu nhập khá. Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi trung bình 14%/năm, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 46,6% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo thống kê đầu năm 2010 toàn huyện có: đàn trâu 268 con, đàn bò 7.768 con, đàn lợn 69.310 con, đàn gia cầm 1.036.878 con. Chương trình “nạc hóa đàn lợn, sin hóa đàn bò” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Huyện cũng đã chỉ đạo khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước vào nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 535 ha cho sản lượng đạt 2.347 tấn. Công tác phòng bệnh trong chăn nuôi cũng được thực hiện tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra. 2.3. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Sản xuất công nghiệp giai đoạn vừa qua đã có bước khôi phục và phát triển. Khuyến khích khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển nghề mới như mộc, hàn sì, cơ khí dân dụng. Nhịp độ tăng truởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 20,25 %/năm, những ngành nghề phát triển khá của Tiên Lữ là chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, cơ khí sửa chữa phục vụ nông nghiệp, các ngành nghề thủ công truyền thống như chế biến long nhãn, rượu nếp, sản xuất thảm đay, mây tre… Huyện tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện có trên 87 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng lên; sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ, sản phẩm ngày càng đa dạng. TTCN và các làng nghề tiếp tục phát triển, nhiều làng nghề truyền thống được mở rộng, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới. 2.4. Thương mại-Dịch vụ Trong thời gian qua thương nghiệp huyện có bước phát triển tương đối khá, mạng lưới thương nghiệp đã phát triển mở rộng đến từng thôn xóm, hàng hóa đa dạng và phong phú, đáp ứng phần lớn nhu cầu và sức mua ngày càng tăng của người dân. Tỷ trọng ngày thươnng mại-dịch vụ ngày một chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện. Năm 2010 tỷ trọng ngành thuơng mại-dịch vụ chiếm là 40,5% cao hơn ngành công nghiệp 29,8% và ngành nông nghiệp 29,7%. Sự phát triển của ngành thương mại-dịch vụ, đặc biệt trong thời gian gần đây là sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp thương mại, các hộ kinh doanh cá thể đã góp phần lớn giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn nhàn dỗi trong dân cư , thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của huyện. Theo thống kê, đến năm 2010 toàn huyện có 5.326 hộ và cơ sở hoạt động kinh doanh dịch thu hút trên 6.000 lao động.
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức phiên họp quý IV để tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024
Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác