19/03/2012 | lượt xem: 2 Nghề làm mành ở Đa Quang “Mành Cuông, chiếu Hới”, câu ca tự bao đời đã nhắc đến nghề làm mành nổi tiếng ở làng Cuông (nay là thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ). Đây là nghề truyền thống, là nghề nuôi sống dân làng lúc “tháng 3 ngày 8”. Đã có thời, từ trẻ nhỏ đến người già trong làng không ai là không biết nghề. Dân làng nơi đây vui buồn, thăng trầm cùng nghề. Sức sống của nghề nhen nhóm, lan truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trẻ con buông cặp sách lại tranh thủ giúp bố mẹ quấn móc, đan mành; người già mắt kém tay chậm cũng gắng sức truyền nghề cho con cháu... Vừa thoăn thoắt đan mành, cụ Vũ Văn Ninh vừa hồi tưởng lại “thời kì huy hoàng” của nghề: “Khi đó cả làng làm nghề, không khí lao động trong làng vui lắm. Vào những năm 80 của thế kỉ trước, các làng, các thôn lân cận cũng học làm nghề nhưng đến nay chỉ mành làng Cuông còn trụ lại. Giờ đây, nghề làm mành đã “nguội” đi nhiều, lao động trẻ ít còn sự gắn bó với nghề. Dù có thế nào, những người già như tôi cũng không bao giờ bỏ nghề. Chúng tôi luôn mong muốn có thể truyền lại nghề để con cháu biết nghề, yêu nghề và giữ nghề của làng.” Theo kinh nghiệm của những người làm mành lâu năm thì làm mành là nghề thủ công, mọi công đoạn từ cưa nứa, chẻ nan, đan mành đều cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Nứa để làm mành phải chọn cây nứa già, gióng dài, có như vậy mành mới bền. Mành có đẹp, nan có đều hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay vừa khoẻ, vừa khéo của người chẻ nan. Sau khi được tuyển chọn, cây nứa được cắt ra từng đoạn theo kích cỡ từng loại mành, pha ra từng mảnh rồi chẻ thành từng nan. Đan mành là công đoạn cuối cùng, từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng có thể làm được, quan trọng là thao tác phải nhanh. Để mành bền và đẹp hơn sau khi thành phẩm ta có thể phun thêm một lớp sơn. Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của anh An Văn Quỳnh đúng lúc vợ chồng anh đang tất bật thu gom sản phẩm để xuất vào miền Nam. Làm mành là nghề truyền thống của gia đình, là nghề kiếm cơm mang lại cuộc sống đủ đầy cho gia đình anh. Hiện tại gia đình anh vừa làm nghề vừa tổ chức thu gom sản phẩm của các hộ trong làng và xuất cho các đầu mối ở Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh… Sau khi trừ mọi khoản chi phí, anh thu lãi từ 60-70 triệu đồng/năm. Mặc dù thu nhập không cao nhưng việc anh đứng ra thu gom sản phẩm của bà con trong thôn đã góp phần rất lớn vào việc tiêu thụ sản phẩm, giúp người làm mành có thêm tình yêu với nghề truyền thống. Không phát triển thành cơ sở sản xuất như anh Quỳnh, cũng như nhiều người dân trong làng ngoài sản xuất nông nghiệp, bác Vũ Văn Bảo coi nghề làm mành là nghề phụ. Vì vậy những lúc nông nhàn các thành viên trong gia đình bác lại quây quần bên nhau, người cưa nứa, chẻ nan, người đan mành. Bác chia sẻ: “Vào những ngày nông nhàn, mỗi ngày 3 thành viên trong gia đình tôi cũng làm được 7-9 chiếc mành nan to, sau khi trừ chi phí thu được từ 80 - 90 nghìn đồng/ngày. So với các nghề khác thu nhập như vậy là không nhiều nhưng được cái lúc nào cũng có việc, nếu chăm chỉ làm cũng đủ để gia đình chi tiêu hàng ngày.” Ông Vũ Quyết Định, trưởng thôn Đa Quang cho biết: Nghề làm mành đã có từ lâu đời, vào thời kì hưng thịnh gần như cả làng làm nghề. Nhưng đến nay thôn có 300 hộ thì chỉ còn khoảng 60 hộ làm nghề. Lao động chính làm mành chủ yếu là những người ngoài độ tuổi lao động, các em học sinh… tranh thủ làm lúc nhàn rỗi. Nghề làm mành đã không còn sức hấp dẫn với lao động trẻ vì thu nhập không cao. Sản phẩm làm ra có mành nan to, mành nan nhỏ… dùng để che ruồi muỗi, che bụi, che nắng che mưa… Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, mành làng Cuông còn được xuất sang các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam. Hiện tại sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua hết đến đó. Mỗi năm làng cũng sản xuất và tiêu thụ trên 300.000 chiếc mành các loại, doanh thu đạt vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bình quân thu nhập từ nghề làm mành được khoảng 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng. Tuy thu nhập không cao nhưng những người cao tuổi, những người đã biết nghề vẫn còn mặn mà với nghề vì sản phẩm truyền thống đã tạo việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên cái khó của nghề làm mành hiện nay là do thị trường tiêu thụ bị giảm sút vì mành tre được ít người sử dụng, chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, xã chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ làm mành mà những hộ sản xuất phải tự tìm kiếm thị trường. Trên thực tế, nghề đã có từ lâu đời nhưng đến thời điểm này làng Cuông vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống. Người dân nơi đây đang mong mỏi được các cấp có thẩm quyền công nhận là làng nghề truyền thống vừa để giữ nghề vừa để nâng cao hiệu quả kinh tế từ làm nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Dị Chế, cho biết: Trong thời gian tới xã sẽ cố gắng đưa ra các chính sách như: ưu đãi tín dụng, hỗ trợ về vốn, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nhất là giao thông… để nghề ngày càng phát triển và sớm được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo baohungyen.vn
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức phiên họp quý IV để tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024
Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác