Khơi dậy tiềm năng nuôi thả thủy sản ở xã Trung Dũng

Là một xã nghèo, lại thuộc vùng trũng của huyện Tiên Lữ, một bộ phận nông dân xã Trung Dũng quanh năm vất vả với đồng ruộng nhưng hiệu quả kinh tế thu được từ gieo cấy lúa không cao. Nhưng đây lại là tiềm năng để xã khai thác, phát triển nuôi thả thủy sản.

Ngoài 15 ha mặt nước rải rác trong khu dân cư đã được khai thác hiệu quả, từ tháng 6.2009 một dự án nuôi thả thủy sản tập trung rộng 20 ha đã được triển khai trên địa bàn xã thuộc khu vực ruộng trũng thôn An Tràng nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích cũng như tạo sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trung Dũng cho biết: “Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh cho phép đầu tư, xã Trung Dũng đã sớm chỉ đạo triển khai thực hiện, trước hết là dồn thửa đổi ruộng tập trung hơn nữa, dành hơn 6 mẫu đất công ích để đào đắp kênh, bờ bao, đường nội bộ. Đến nay đã có 23 hộ trong vùng dự án có quyết định được phép chuyển đổi sang nuôi thả thủy sản, với tổng diện tích 7 ha. Phấn đấu cuối năm nay xã sẽ triển khai xong toàn bộ diện tích của giai đoạn I là 10 ha”. Trên thực tế, còn 8 hộ chưa triển khai đầu tư do mới nhận được quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến thăm mô hình nuôi thả thủy sản của gia đình chị Bùi Thị Là, thôn An Tràng tuy vẫn đang ngổn ngang vật liệu xây dựng, gạch, sắt… nhưng đã có ao nuôi cá và một dãy chuồng đang nuôi 40 con lợn thịt, con nào con ấy no tròn. Đất trên bờ quanh ao cá là những loại cây ăn quả vừa mới trồng. Chị Là cho biết: “Gia đình tôi tập trung đầu tư từ cuối năm 2009, đến giữa  năm 2010 mới đào xong ao rộng 5 sào. Để  nuôi cá có hiệu quả chúng tôi suy tính phải có chăn nuôi kết hợp. Và, gia đình đã chọn chăn nuôi lợn. Lúc bán lợn, kéo cá được giá nên năm đầu tiên làm đã thu lãi hơn 20 triệu đồng. Trước đây cấy lúa vất vả mà thu lãi chẳng đáng là bao”. Giải thích về những vật liệu còn đang ngổn ngang, chị Là nói là để xây dựng thêm dãy chuồng 4 ngăn nuôi thêm 40 con lợn thịt nữa, rồi tiến tới nuôi lợn nái nhằm chủ động được lợn giống, nâng cao hiệu quả kinh tế của toàn bộ mô hình. Cạnh mô hình nuôi cá của gia đình chị Là còn có 3 hộ nữa cũng đã đầu tư, định hình xong mô hình và bắt đầu có thu nhập.

Trong số 15 hộ đã và đang đầu tư trong dự án, có lẽ hộ anh Vũ Đình Tạo (thôn An Tràng) có nét đặc biệt hơn. Đất thổ cư và mô hình ao – chuồng của gia đình anh vốn ổn định trước khi có dự án. Dự án nuôi thả thủy sản tập trung liền kề với mô hình sẵn có nên gia đình anh đã đề nghị và được phép tham gia dự án. Có kinh nghiệm nuôi thả cá, chăn nuôi và làm vườn kết hợp để nâng cao hiệu quả và tính bền vững cho mô hình, anh Tạo tỏ vẻ tiếc nuối: “Gia đình tôi chỉ tham gia dự án được 5 sào liền kề với mô hình sẵn có, muốn làm thêm cũng khó vì sát bờ bao rồi”. Vậy là, từ lúc có một ao rộng 2 sào, nay gia đình anh có thêm một ao rộng hơn 3 sào nữa. Lúc này anh đầu tư ao nhỏ để chuẩn bị nguồn cá giống cho ao to bằng cách mua cá hương thả, nuôi đến khi thành cá choai thì chuyển sang ao lớn, vừa quay vòng nhanh, vừa chủ động được nguồn cá giống cho ao lớn mà việc nuôi cũng thuận lợi hơn. Xung quanh bờ ao, gia đình anh nuôi 10 cặp lợn nái, thường xuyên có 100 – 150 con lợn thịt, gần 200 con gà, 40 – 50 con ngan, vịt, trồng rau màu, cây ăn quả nhãn, vải… Theo anh Tạo, làm như vậy để tận dụng chất thải từ chăn nuôi phục vụ cho nuôi cá, bón cây. Chất thải của đối tượng này là đầu vào của đối tượng kia, tạo vòng khép kín liên hoàn, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình. Làm thế, dù giá cả thực phẩm, nông sản bấp bênh thì gia đình anh cũng không bị lỗ. Như năm 2010, toàn bộ mô hình rộng 1,3 mẫu của gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.

Là dự án nuôi thả thủy sản tập trung nhưng theo các hộ đầu tư thì không nên và cơ quan quản lý Nhà nước cũng “mở” để họ không chỉ nuôi thả thủy sản mà cần thực hiện các mô hình kết hợp vườn – ao, chuồng – ao hay vườn – ao – chuồng. Bởi như anh Tạo nói thì: “Thị trường tiêu thụ nông sản tuy bảo rộng lớn nhưng không ổn định, giá cả bấp bênh, dịch bệnh rình rập, nếu không đầu tư tổng hợp để nguồn thu từ các sản phẩm bù đắp cho nhau thì rất khó khăn. Lỗ con này còn có con khác đỡ”. Cũng chính quan điểm này mà 15 hộ đã có mô hình, có nguồn thu thì bước đầu đều có hiệu quả kinh tế tốt.

Mặc dù giai đoạn I thực hiện dự án đã thực hiện nhưng đến nay mới hoàn thành được việc đắp các bờ bao, rải đá cộn được đường trục giao thông chính và xây dựng được 5 chiếc cống mà chưa có đường điện, chưa có hệ thống máng tiêu, cấp nước cho các ao cá. Đây là những khó khăn, là cản trở cho việc triển khai cũng như hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi thả thủy sản trong dự án. Bờ bao cũng là đường giao thông nội bộ của vùng dự án nhưng là đường đất, những hôm trời mưa việc đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu đi lại, vận chuyển thức ăn đầu vào phục vụ chăn nuôi, nuôi thả cá, rồi vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng mô hình diễn ra hàng ngày. Lúc xuất lợn, kéo cá, thương lái vào lấy hàng cũng chật vật. Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là sớm được đầu tư hoàn thiện đường điện, hệ thống tưới tiêu, các ao cấp, ao thải nước, rải vật liệu cứng hệ thống đường nội bộ để nhân dân tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình hơn nữa. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Nếu không hoàn thiện sớm được các hạng mục đó thì việc triển khai giai đoạn II sẽ gặp nhiều khó khăn. Xã có tiềm năng nuôi thả thủy sản không chỉ về điều kiện tự nhiên mà trong xã đã hình thành một nhóm lao động chuyên môn hóa việc tiêu thụ thủy sản. Hiện nay, nhân dân đang khai thác tối đa hơn 20 ha mặt nước để nuôi thả các loài thủy sản nhưng vẫn thiếu nguồn cung cho bộ phận này. Để tạo thuận lợi cho các hộ tham gia dự án, đề nghị các cấp, các ngành xem xét đưa các hộ vào dự án phát triển thủy sản của tỉnh để họ được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, vay vốn…”.

baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online