Tiên Lữ: Hiệu quả mô hình sản xuất lúa tập trung

Vụ xuân năm nay, huyện Tiên Lữ gieo cấy 3,5 nghìn héc-ta lúa, trong đó, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm 70%. Để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa, cùng với thực hiện tốt khâu lựa chọn giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, huyện tuyên truyền, vận động Nhân dân hình thành cánh đồng sản xuất tập trung, gieo cấy một giống. Đến nay, việc sản xuất theo mô hình tập trung, một giống đã bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà, không tập trung.

Nông dân huyện Tiên Lữ thu hoạch lúa xuân

Để xây dựng cánh đồng lúa tập trung, thời gian qua, huyện Tiên Lữ vận động người dân dồn thửa, đổi ruộng tích tụ ruộng. Mặt khác, phòng chuyên môn tăng cường phối hợp với địa phương tuyên truyền để người dân gieo cấy những giống lúa được hỗ trợ để nhận chính sách hỗ trợ; lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực năng suất, chất lượng cao để gieo cấy; mở rộng diện tích gieo cấy các giống sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức gieo cấy gọn vùng. Ngoài ra, huyện thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, hằng năm huyện duy trì từ 300 đến 500 héc-ta/vụ gieo cấy lúa theo mô hình sản xuất lúa tập trung.
Tại xã Đức Thắng, hoàn thành dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân phát triển sản xuất. Mặt khác, sau dồn thửa đổi ruộng, nhiều hộ dân đã tự thỏa thuận đổi, thuê ruộng để tăng diện tích canh tác lúa và thuận lợi trong quá trình sản xuất, tạo thành những cánh đồng lớn, sản xuất tập trung. Bà Nguyễn Thị Minh, xã Đức Thắng cho biết: Sau dồn thửa đổi ruộng, toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình tôi tập trung trên 2 cánh đồng, mỗi cánh đồng rộng từ 1 đến 3 mẫu. Ruộng rộng đã tạo thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào làm đất, khâu gieo cấy và thu hoạch. Do gieo cùng một loại giống, cùng chế độ chăm sóc và cùng thời điểm gieo cũng như thu hoạch nên giảm công chăm sóc, đem lại hiệu quả cao.
Xã Hưng Đạo có trên 280 héc-ta cấy lúa, trong đó, 50 héc-ta sản xuất theo mô hình sản xuất tập trung, gieo cấy một giống lúa. Nhờ duy trì hơn 30 héc-ta gieo cấy tập trung, nhiều năm nay diện tích này nông dân không phải lo đầu ra, không lo thương lái ép giá vì có liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: Hiện nay, xã có trên 20 hộ dân gieo cấy từ 3 đến 5 mẫu lúa/hộ. Việc gieo cấy tập trung thuận lợi cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mặt khác, diện tích gieo cấy tập trung được doanh nghiệp liên kết bao tiêu 100% sản phẩm. Vụ xuân này, xã có 35 héc-ta sản xuất lúa tập trung được liên kết tiêu thụ.

Nông dân huyện Tiên Lữ thu hoạch lúa xuân

Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và PTNT, mô hình sản xuất lúa tập trung đã khẳng định những ưu thế hơn so với phương thức canh tác truyền thống, chi phí đầu tư 1 sào cấy lúa khi thực hiện sản xuất tập trung giảm 15%; hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 25% so với thực hiện sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt, việc cấy cùng một giống lúa trên một diện tích ruộng lớn còn nâng cao được chất lượng sản phẩm bởi lúa không bị lai tạp với các giống lúa khác. Bên cạnh đó, một số vùng sản xuất lúa tập trung được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế đạt cao hơn 1,5 lần so với diện tích không tập trung. Vụ xuân năm nay, huyện xây dựng được 300 héc-ta sản xuất lúa tập trung, quy mô mỗi mô hình 10 héc-ta trở lên, trong đó 50 héc-ta có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, tập trung ở một số xã như: Dị Chế, Đức Thắng, Hưng Đạo…
Đồng chí Lã Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Mô hình sản xuất lúa tập trung đã và đang phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Không chỉ giảm chi phí đầu tư, thuận lợi trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, tại các vùng sản xuất lúa tập trung 100% diện tích sử dụng máy làm đất, máy cấy và máy gặt... Tuy nhiên, tại một số vùng sản xuất lúa tập trung trong huyện, người dân vẫn đang phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa tập trung, thời gian tới, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích nông dân duy trì phát triển mô hình này, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung… để người dân yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và khắc phục tình trạng bỏ ruộng. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị các điều kiện làm vụ mùa. Huyện phấn đấu vụ mùa năm nay có 350 héc-ta sản xuất theo mô hình tập trung.

Nguồn tin: tienlu.hungyen.dcs.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
27 người đang online