Hưng Yên: ĐỂ VỤ NHÃN THẮNG LỢI

Vào thời điểm này, tại nhiều vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như: thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ… các chủ vườn đang tập trung cao độ cho việc chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa, đậu quả. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất quyết định năng suất, chất lượng quả cũng như thời gian thu hoạch nên được người trồng rất quan tâm, đặc biệt là việc áp dụng linh hoạt các biện pháp khoa học kỹ thuật để đạt kết quả tốt nhất.

Có mặt tại một vườn nhãn hương chi của xã Phương Chiểu (Tiên Lữ), bên những hàng nhãn xanh tốt đang trổ ngồng hoa, nhiều người làm vườn trong xã đang cặm cụi chăm bón cho từng gốc. Kiểm tra sâu bệnh cho dãy nhãn đã trổ hoa, ông Phạm Văn Ánh, người trồng nhãn thương phẩm đã nhiều năm cho biết: “Phần lớn diện tích nhãn của gia đình tôi đều là nhãn chiết cành, mới cho khai thác một vài lứa nên chúng tôi tập trung chăm bón để cây khỏe mạnh, ra hoa đậu quả đúng thời điểm bảo đảm năng suất”. Chăm sóc nhãn là việc quanh năm nhưng thời điểm trước, trong và sau khi nhãn ra hoa, đậu quả luôn được người làm vườn chú tâm hơn cả. Cũng như gia đình ông Ánh, nhiều chủ vườn khác tại đây đang tích cực bón phân và áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để cây ra hoa đều, đậu quả đúng vào thời điểm thuận lợi của thời tiết. Các cành lá thừa trên cây đã được dọn sạch từ dịp trước tết nay cây có điều kiện hấp thụ chất dinh dưỡng tối đa nuôi hoa, tại mỗi vườn, người trồng lại tùy vào tình hình sinh trưởng, số năm tuổi của cây để bón phân, xử lý thuốc thúc hoa một cách hợp lý. Qua quan sát của chúng tôi, hầu hết các vườn đều có tỷ lệ trổ hoa tốt, đúng thời vụ. Ông Vũ Tiến Trung, Chủ tịch Hội nông dân xã phấn khởi cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 150 mẫu nhãn ăn quả, năm ngoái sản lượng đạt gần 40 tấn quả, năm nay người dân tiếp tục làm chủ được kỹ thuật nên chắc chắn năng suất và chất lượng sẽ còn cao hơn”.

Làm việc với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lữ được biết, toàn huyện hiện có trên 400 ha nhãn các loại, tập trung ở các xã phía tây của huyện như: Phương Chiểu, Hoàng Hanh, Tân Hưng… trong đó khoảng 2/3 diện tích này đang trong thời kỳ cho khai thác quả. Đến nay cơ bản ở các địa phương trồng nhãn trong huyện người dân đã nắm bắt được các biện pháp khoa học kỹ thuật để áp dụng cho cây nhãn ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao. Nếu như trước đây các biện pháp khoanh vỏ, tiện cành, xới gốc để ép ra hoa thường được sử dụng thì nay đã có thêm những biện pháp mới như: chăm sóc theo thời kỳ, sử dụng các chế phẩm sinh học thúc hoa… vừa giữ được cây bền, khỏe mà hiệu quả cũng cao hơn. Tại nhiều địa phương trong huyện Tiên Lữ, người dân vẫn tập trung cho cây nhãn phát triển hoa vào chính vụ, tranh thủ sự thuận lợi của thời tiết nên các biện pháp chăm sóc cũng đơn giản hơn.

Khác với những vườn nhãn ở Tiên Lữ, tại thành phố Hưng Yên, một trong những “vựa nhãn” thương phẩm lớn nhất tỉnh, người làm vườn nơi đây đang bận rộn với việc xử lý để cây nhãn ra hoa nhiều trà, nhiều lứa nhằm kéo dài thời gian thu hoạch quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam vui vẻ cho biết: ”Tháng hai vừa qua, hợp tác xã đã phối hợp với Công ty cổ phần Thành Giao là đơn vị chuyên sản xuất các chế phẩm hỗ trợ cây trồng, tổ chức buổi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật trong chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa đậu quả cho xã viên. Các hộ trồng nhãn qua nhiều vụ giờ đã khá thành công trong việc xử lý cho nhãn ra hoa theo ý muốn”.

Tham quan những vườn nhãn của Hồng Nam có thể dễ dàng nhận thấy các phương pháp hay đã được áp dụng thành công như thế nào. Có vườn nhãn đã đậu quả non, nhiều vườn đang nở hoa rộ nhưng có những vườn ngồng hoa mới nhú. Đây chính là bí quyết “20- 50- 30” của người làm vườn nơi đây, tức là khoảng 15- 20% diện tích xử lý nhãn sớm, 50- 60% để nhãn ra chính vụ và khoảng 20- 30% cho nhãn ra muộn. Bởi thế mà mùa nhãn ở đây luôn đến sớm nhất, kết thúc muộn và thời gian thu hoạch quả kéo dài trong nhiều tháng. Chị Vũ Thị Bình, một chủ vườn ở Hồng Nam cho biết: “Để nhãn ra hoa đều, không cách năm thì chúng tôi phải liên tục chăm bón cho cây trong mọi thời điểm, kể cả khi cây đang cho quả hay khi đã thu hoạch xong. Vì từ lúc thu quả đến khi cây lại ra hoa chỉ có thời gian ngắn nên phải kịp thời chăm bón để cây đủ dinh dưỡng phát triển”.

Do vậy các nhà vườn giàu kinh nghiệm đều khẳng định rằng dù có áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật như thế nào, thúc hoa theo ý ra sao thì việc đầu tiên và nhất định phải làm tốt đó là bảo đảm dinh dưỡng cho cây khỏe, chỉ khi cây khỏe thì việc xử lý mới thành công và bền vững được. Theo chu kỳ, cây nhãn sẽ được bón phân với lượng từ 5- 7kg/đợt/cây tùy kích thước cây và tình trạng sinh trưởng, đồng thời bổ sung một số nguyên tố vi lượng cần thiết như: sắt, kẽm, ma-giê… cho cây phát triển toàn diện, chất quả thơm ngon. Thông thường, muốn cây ra hoa vào thời điểm nào, người trồng sẽ tiến hành xử lý trước đó khoảng 40- 60 ngày. Ông Thinh chia sẻ: “Sau khi chọn được cây phù hợp, sử dụng KCLO3 tưới gốc và phun các chế phẩm sinh học hấp thụ qua lá như: Toba 94, AFA, ABIO 1,2,3,4… có thể phun kèm Atonic để kích thích mạnh cho cây phát hoa. Tuy nhiên, việc xử lý phải linh hoạt, lựa theo thời tiết và tình trạng cây”.

Như gia đình anh Bùi Nam Đồng, năm ngoái sản lượng nhãn chỉ đạt mức trung bình, nhiều cây thưa quả nên gia đình anh đã chủ động chăm bón cho cây khỏe mạnh và xử lý cho ra hoa sớm. Nay nhiều cây trong vườn đã được xử lý thành công và đậu quả sai. Nhưng với một số vườn năm ngoái khai thác với sản lượng lớn thì năm nay có kế hoạch điều tiết để giảm áp lực cho cây.

Thời tiết đang dần tăng nhiệt như hiện nay được cho là môi trường thuận lợi cho cây nhãn sinh trưởng, ra hoa và đậu quả tốt. Với những diện tích đã đậu quả và đang ra hoa người trồng tiếp tục theo dõi để có biện pháp dưỡng quả non kịp thời, diện tích ngồng hoa đang phát triển thì tăng cường chăm sóc, thúc hoa để hoa ra đều, đúng thời gian dự tính. Cùng với việc hoàn thiện xử lý cho nhãn ra hoa, người trồng nhãn trong tỉnh cũng đang tích cực phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây, bảo vệ hoa và quả non. Hiện nhiều loại sâu bệnh đã xuất hiện, gây hại cục bộ trên nhãn như: bọ xít, sâu ăn lá non, rệp, nấm… Có thể phun Ridomil, Anvil để trừ nấm, bệnh phấn trắng và bệnh sương mai, sử dụng Supracide, Suprathion và Actara để trừ rệp, sử dụng Sherpa, Fastac để trừ bọ xít, theo tỷ lệ thích hợp. Người trồng cần lựa thời điểm không mưa để phun phòng và trừ bệnh kịp thời, không để bệnh phát tán rộng, bảo đảm vụ nhãn cho năng suất và chất lượng tốt.

baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
133 người đang online