Tuyên truyền về phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão, lũ lụt

Theo Công văn số 422/ATTP-NV ngày 18/9/2024 của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hưng Yên, Công văn số 1059/UBND-VP ngày 23/9/2024  của UBND huyện Tiên Lữ về việc tuyên truyền cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm mùa mưa bão, lũ lụt, cụ thể:

Khi mưa bão, lũ lụt xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín. 

Để phòng tránh bệnh dịch, người dân nên thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Thực hiện tốt “10 Nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm an toàn”; “5 chìa khóa để thực phẩm an toàn” . Không sử dụng các thực phẩm bị ngập nước, nảy mầm, nấm mốc, thịt gia súc gia cầm bị chết... Người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm để tránh trường hợp sản phẩm bị hư hỏng, mất dinh dưỡng do bảo quản không đúng, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm cần điều kiện bảo quản lạnh, lạnh đông. Đối với các vùng bị ngập úng, ngập lụt, cần tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện nhiệt độ, thời hạn bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm ăn ngay, chế biến sẵn theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm. 

Người dân cần lưu ý và cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý); rửa tay sạch bằng xà phòng và nước rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn. Không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác; không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp bị ngâm trong nước, hoen rỉ, ngấm nước, bùn... Bên cạnh vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng sau khi ổn định lại cuộc sống.

Người dân có thể tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách tuân thủ 5 nguyên tắc về an toàn thực phẩm: 

* Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt 

- Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: 

+ Trước khi tiếp xúc với thực phẩm. 

+ Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm.

+ Sau mỗi lần đi vệ sinh. 

- Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm. 

- Giữ gìn sạch sẽ thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập. 

* Nguyên tắc 2. Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín 

- Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm khác.

- Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống. 

- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín. 

* Nguyên tắc 3. Đun nấu kỹ 

- Đun nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản.

- Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ. 

- Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần. 

* Nguyên tắc 4. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn 

- Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn: từ 5-60°C. 

- Làm lạnh ngay và bảo quản tủ lạnh tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay (dưới 5°C).  

- Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60°C) trước khi ăn.

* Nguyên tắc 5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn 

- Sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm. 

- Lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, an toàn. 

- Rửa sạch rau quả, đặc biệt với các loại rau quả ăn sống. 

- Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng méo. 

Nội dung Công văn kèm theo

Đào Đức Huân - Văn phòng HĐND&UBND huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
8 người đang online