15/03/2024 | lượt xem: 1 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Lữ học tập và làm theo lời Bác Trong tháng 01/1965, trong thư gửi cán bộ ngành Ngân hàng, Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ Ngân hàng phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”. Thời gian qua, cán bộ nhân viên Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Tiên Lữ luôn tự giác học tập và làm theo lời dạy của Bác để rèn luyện đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ “tín dụng chính sách xã hội” phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương ngày một tốt hơn. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hiện có 12 cán bộ, nhân viên, người lao động, trong đó có 9 đảng viên. Trong những năm qua, để việc học tập làm theo Bác đảm bảo thiết thực, hiệu quả, làm động lực thúc đẩy nhiệm vụ chuyên môn, Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ giữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt công tác huy động vốn, cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Từ đó, cán bộ, nhân viên, người lao động có những hành động thiết thực và chuyển biến tích cực hơn trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Gắn nhiệm vụ chuyên môn với việc học và làm theo Bác, Chi ủy Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tăng cường huy động vốn nhằm tăng nguồn vốn cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đôn đốc thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của hộ vay đảm bảo quy định; thường xuyên phối hợp kiểm tra, củng cố hoạt động ủy thác của các hội ủy thác cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn huyện có 5.696 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, với dư nợ 391 tỷ đồng. Trong đó, có 166 hộ nghèo, 201 hộ cận nghèo, 3.105 hộ mới thoát nghèo, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.450 lao động, cải tạo xây dựng 7.320 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay có 90 hộ nghèo được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ 52 khách hàng xây nhà ở xã hội, 280 học sinh, sinh viên vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đã kịp thời giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương. Để việc học và làm theo Bác thực sự hiệu quả, chất lượng, thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tích cực đổi mới các nội dung sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị để đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Qua đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với phương châm “Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”; tiếp tục khẳng định tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu để thực hiện hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Mai Hương- TTVH và TT huyện