13/08/2010 | lượt xem: 3 Nhân ngày Quốc tế môi trường (5.6): Phát huy hiệu quả các tổ VSMT tự quản của CCB Tiên Lữ Vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay đang ngày càng trở nên bức xúc một phần do sự phát triển của kinh tế- xã hội, một phần do sự thiếu ý thức của người dân. Việc hình thành và duy trì hoạt động các tổ VSMT tự quản của CCB huyện Tiên Lữ thời gian gần đây không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở từng địa phương mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác VSMT trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng Từ khi có Tổ VSMT tự quản... "Trước đây nhiều người dân đổ rác lung tung, mương máng, ao hồ, lề đường... đâu đâu cũng thấy rác rưởi, túi ni-lon, vừa gây mất vệ sinh lại vừa mất mỹ quan. Từ khi có tổ VSMT tự quản của các bác CCB thì rác thải đã được thu gom về đúng nơi quy định, cả những bãi rác tự phát lớn nhỏ rải rác quanh làng cũng được dọn sạch". Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng, Tiên Lữ) phấn khởi cho biết. Không chỉ có chị Vân, người dân trong thôn Hoàng Xá đều vui mừng vì vệ sinh, môi trường trong thôn ngày một cải thiện rõ rệt, đường làng ngõ xóm phong quang, không khí trong lành hơn. Tổ VSMT tự quản của CCB thôn Hoàng Xá được thành lập từ đầu năm 2009, là một trong những tổ làm tốt công tác dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn tiêu biểu của huyện. Ông Phạm Tiến Hùng, chủ tịch Hội CCB xã Trung Dũng cho hay, nhận thấy rác thải sinh hoạt của địa phương ngày càng nhiều, địa phương lại chưa thành lập được các tổ VSMT để thu gom, xử lý rác thải, Hội CCB xã đã đề xuất với chính quyền địa phương, đứng ra tự quản VSMT. Được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp hội, nhất là sự ủng hộ của nhân dân nên ngay khi thành lập, tổ VSMT tự quản của CCB thôn Hoàng Xá đã làm việc có hiệu quả. Nay tổ đã có 4 thành viên tham gia thu gom rác thải sinh hoạt thường xuyên 3- 4 lần/tuần, có dụng cụ đầy đủ, thôn cũng xây dựng được bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Rác thải sinh hoạt được người dân gom vào bao, xô, để đúng nơi quy định để tổ VSMT đến thu gom định kỳ, mỗi người dân tự nguyện đóng góp 2000 đồng/người/tháng để trả chi phí lao động cho tổ và có kinh phí đầu tư, bổ sung dụng cụ lao động. Nhờ hoạt động tốt mà đầu năm 2010 mô hình đã được tiếp tục xây dựng tại thôn Canh Hoạch, đến nay tại 2/4 thôn của xã các tổ VSMT của CCB hoạt động đã đi vào nền nếp, công tác VSMT được bảo đảm. Ngoài việc thu gom rác thải sinh hoạt, CCB trong xã còn tổ chức các buổi tổng vệ sinh thôn xóm, thu gom rác thải ngoài đồng ruộng: vỏ thuốc trừ sâu, rơm rác... đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh chung. CCB xã Nhật Tân (Tiên Lữ) tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm Tại xã Nhật Tân, tuy CCB không tham gia thu gom rác thải sinh hoạt nhưng ở cả 6 thôn trong xã CCB đều tự nguyện thành lập các tổ VSMT tự quản. Các tổ này thường xuyên phối hợp với đội VSMT của xã tiến hành tổng dọn vệ sinh, đưa rác thải về đúng nơi quy định, khơi thông cống rãnh, bảo đảm môi trường xanh- sạch- đẹp tại các điểm công cộng. Hơn 300 CCB trong xã đều là những người gương mẫu trong công tác giữ gìn VSMT, là những tuyên truyền viên VSMT tích cực trong gia đình, khu dân cư. Bên cạnh việc rác thải sinh hoạt được thu gom kịp thời, đúng quy định thì hiệu quả đáng ghi nhận mà các tổ tự quản VSMT đã làm chính là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân trong giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường. Tại những thôn xóm do CCB tự quản, hầu như không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi, nhiều hộ còn tự giác phân loại rác thải để công tác VSMT hiệu quả hơn. Cần được duy trì và nhân rộng Hội CCB huyện Tiên Lữ bắt đầu triển khai mô hình tổ VSMT tự quản từ 2007, đến nay đã xây dựng được 22 tổ, đội trong 18 xã, thị trấn của huyện. Trao đổi với ông Tạ Quốc Thảnh, phó chủ tịch Hội CCB huyện Tiên Lữ chúng tôi được biết, ngay khi huyện phát động phong trào xây dựng tổ, đội VSMT tự quản đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo CCB dưới nhiều hình thức. Có chi hội tích cực tuyên truyền, có chi hội lại trực tiếp tham gia thu gom rác thải, có chi hội đảm nhiệm việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn môi trường khu dân cư... Trong đó có rất nhiều chi hội hoạt động hiệu quả, từng bước chuyển biến thực trạng VSMT của địa phương như: xã Nhật Tân, xã Hưng Đạo, xã Phương Chiểu... Ngay khi triển khai các mô hình này, các tổ, đội VSMT tự quản của CCB đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, phòng TNMT huyện, được đầu tư ban đầu một số dụng cụ, trang thiết bị như: xe vận chuyển, chổi, cuốc, xẻng, quần áo bảo hộ... nhằm tạo điều kiện để các tổ, đội nhanh chóng đi vào hoạt động. Để tránh tình trạng hoạt động bị ngưng trệ, dở dang do không có kinh phí, không có người đảm nhận, trước khi xây dựng tổ, đội VSMT tự quản, các chi hội đều có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với chính quyền địa phương, với nhân dân. Từ đó đưa ra chương trình, quy định hoạt động, kinh phí đóng góp cụ thể và huy động nguồn nhân lực hợp lý. Nhờ đó mà đến nay hơn 20 tổ, đội VSMT tự quản của CCB trong huyện đều duy trì hoạt động thường xuyên, được nhân dân ủng hộ, hàng năm đều có thêm các tổ, đội mới được thành lập. Sau hơn 3 năm triển khai, các mô hình tổ VSMT tự quản của CCB đều cho thấy hiệu quả nhiều mặt như: rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom đúng nơi quy định, ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan của người dân được nâng lên. Mặt khác, các tổ, đội không những có thể đảm nhận trực tiếp công việc VSMT tại khu dân cư mà còn phát huy được tinh thần tích cực, nhiệt tình trong tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng, làm theo. Mỗi tháng, các tổ, đội này đã thu gom được hàng chục tấn rác thải sinh hoạt tập kết đúng nơi quy định, thường xuyên tổ chức các buổi ra quân tổng vệ sinh khu dân cư, tuyên truyền kiến thức VSMT, phát động trồng cây xanh... thu hút đông đảo CCB và nhân dân tham gia. Tuy nhiên tại nhiều địa phương trong huyện việc thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội này vẫn còn gặp khó khăn. Hiện nay ở hầu hết các địa phương đều chưa có kinh phí duy trì hoạt động cho các tổ, đội VSMT mà chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân. Bên cạnh những hộ tự giác, nhiều hộ không đóng góp hoặc đóng góp chậm trễ khiến một số địa phương tuy đã thành lập được tổ tự quản nhưng hoạt động không thường xuyên, nhiều chi hội có đủ lực lượng CCB tham gia nhưng các hoạt động chưa đi vào chiều sâu. Để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát triển mô hình này rộng rãi hơn, Hội CCB huyện đã có kế hoạch phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, huy động kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật, kêu gọi sự tham gia của các đoàn thể như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... để không chỉ thành lập được hệ thống các tổ, đội VSMT tự quản mà còn phát huy hiệu quả, bền vững hoạt động ở từng khu dân cư. Giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường là việc của toàn xã hội, vì lợi ích to lớn của cộng đồng, vì thế mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức tham gia vào các hoạt động VSMT góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề VSMT.
Lễ công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đền An Xá/Lễ hội Đậu An và khai mạc lễ hội năm 2024
Phát huy tinh thần Ngày chiến thắng 30/4, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Quốc tế Lao động 1/5, xây dựng huyện Tiên Lữ ngày càng giàu đẹp, văn minh