Được tái lập từ tháng 5/1997, từ một mảnh đất thuần nông, đến nay huyện Tiên Lữ đã “thay da đổi thịt”, chuyển mình với một sức sống mới, mạnh mẽ, năng động hơn.

Huyện Tiên Lữ giáp thành phố Hưng Yên; gần các trung tâm đô thị lớn thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… là điều kiện thuận lợi để Tiên Lữ hòa nhập với quá trình phát triển năng động của các địa phương và dễ tiếp nhận thông tin kinh tế thị trường cũng như chuyển giao nhanh các công nghệ và thiết bị công nghiệp hiện đại. Thời gian qua lợi thế này đã được Huyện tích cực phát huy, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.

Từ một huyện có điếm xuất phát thấp về kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đến nay, Tiên Lữ đã trở thành một huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, tổng gíá trị sản xuất đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 14,2%/năm.

Khẳng định hướng đi đúng đắn và tinh thần quyết tâm, phấn đấu của Huyện trong những năm qua, ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết: “Chúng tôi tập trung cao, chuyển nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất hàng hóa để khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, tiếp cận khoa học vào sản xuất nông nghiệp để nhân dân Tiên Lữ giàu lên từ chính mảnh đất của mình”. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Huyện tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện về năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất. Huyện tập trung đổi mới phương thức gieo cấy, chuyển đổi trà vụ (tăng diện tích trà muộn, giảm, xoá bỏ diện tích trà chung, sớm), đẩy mạnh sản xuất những giống lúa cho năng suất cao với khả năng kháng bệnh tốt… Năm 2012, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn đạt 12.706 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 9.235 ha (diện tích lúa cao sản chiếm 48%) với sản lượng đạt 62.014 tấn; diện tích cây vụ đông đạt 1.821 ha; diện tích cay rau màu các loại là 1.650 ha. Ngoài ra diện tích đất trồng cây ăn quả (nhãn, vải) cũng tăng với sản lượng quả đạt 8.170 tấn.

Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN) có những bước chuyển biến tích cực, đa dạng về ngành nghề, chất lượng được ngày càng được nâng cao… Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN đạt 408 tỷ đồng, tăng 11.2% so với cùng kỳ năm 2011. Huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp – TTCN trên địa bàn: thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các hộ TTCN có điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất. Đến nay, toàn Huyện có 181 doanh nghiệp đã đăng ký, trong đó có 97 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, góp phần tạo việc làm mới trên địa bàn Huyện (năm 2012 tạo thêm việc làm cho 1.200 lao động). Với một số ngành sản xuất giữ nhịp tăng trưởng khá như may mặc, giày da, chế biến lương thực…, các làng nghề trên địa bàn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm… Thương mại và dịch vụ cũng có bước phát triển khá với giá trị sản xuẩt của ngành trong năm đạt 772 tỷ đồng, tăng 17,3%, góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương.

Về xây dựng cơ bản, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn Huyện năm 2012 đạt 145 tỷ đồng, tăng 4%. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn Huyện được tiến hành đúng tiến độ và quy trình luật định, được UBND tỉnh đánh giá cao như: dự án cải tạo, mở rộng ngã tư Phố Giác đã hoàn thành thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dự án mở rộng Trường Đại học Thuỷ Lợi với tổng diện tích 81,4 ha, năm 2012 hoàn thành thu hồi đất giai đoạn I là 56,35 ha. Riêng 2 dự án nâng cấp mở rộng TL 200 đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 7,3/9,4 km, dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đã bàn giao 4,0/4,27 km mặt bằng đất nông nghiệp cho đơn vị thi công và sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án trong năm 2013.

Ông Hoàng Đình Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Đông Anh Tám chia sẻ: “Từ khi thành lập doanh nghiệp, chúng tôi được sự hỗ trợ từ các khâu lập phương án giải phóng mặt bằng và tất cả các chế độ ưu đãi. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được Huyện ưu tiên phát triển, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt”.

Năm 2013 là năm bản lề có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 – 2015) trên địa bàn Huyện. Lãnh đạo Huyện tiếp tục vận dụng đồng bộ các giải pháp, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá toàn diện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển công nghiệp và TTCN; mở thêm các ngành nghề thủ công, gắn với phát triển dịch vụ, phục vụ công nghiệp để ổn định và tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục phối hợp với tỉnh Hưng Yên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần đưa Tiên Lữ nhanh chóng trở thành một huyện vững mạnh mọi mặt của tỉnh.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online