Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng số, đưa dịch vụ ngân hàng phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Hướng dẫn khách hàng vay vốn tại Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên)

Anh Đỗ Văn Mạnh, xã An Viên (Tiên Lữ) được vay vốn 200 triệu đồng theo Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ năm 2021. Gia đình anh đã đầu tư cửa hàng kinh doanh trang thiết bị điện nước. Anh Mạnh chia sẻ: “Từ khi ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh triển khai ứng dụng dịch vụ Mobile Banking, tôi thấy rất tiện lợi cho cả người dân và ngân hàng. Ở cửa hàng của mình hay đi giao, nhập hàng nơi xa tôi vẫn có thể xem số kỳ đóng tiền gốc, tiền lãi đối với khoản vay của gia đình qua điện thoại thông minh. Điều này thay thế cho việc trước kia tôi phải gọi điện hay trực tiếp đến gặp Tổ trưởng tổ kiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoặc cán bộ tín dụng để hỏi về các vấn đề liên quan đến chính sách hay số tiền cần trả cho khoản vay của gia đình...”

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Phòng giao dịch  Ngân hàng CSXH huyện Kim Động cho biết: “Thông qua các ứng dụng số của Ngân hàng CSXH, khách hàng chủ động nắm bắt thông tin về tiền gốc, tiền lãi hàng tháng mà mình đã trả và còn cần thanh toán bao nhiêu để có kế hoạch chi trả. Điều này rất quan trọng vì người dân có thể tự kiểm soát vốn vay của mình, phòng tránh những thất thoát, rủi ro, hạn chế được việc chậm trễ trả gốc, lãi định kỳ. Về phía ngân hàng, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành tới người dân được linh hoạt hơn, nhanh chóng hơn”.

Ứng dụng Mobile Banking được Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh triển khai tới khách hàng từ tháng 3/2023, cung cấp nhiều tiện ích, với các dịch vụ tài chính và phi tài chính như: Chuyển tiền nội bộ hệ thống, chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống, chuyển tiền thường ngoài hệ thống; thanh toán tiền điện, tiền nước, internet, điện thoại cố định, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm, khoản vay tài chính; thanh toán bằng mã QRPay. Nhóm dịch vụ phi tài chính, gồm: Kiểm tra thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay, tra cứu lịch sử giao dịch; tiện ích tra soát... Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi giao dịch tại quầy mà có thể sử dụng dịch vụ ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet. Để việc thực hiện chuyển đổi số của hệ thống được hiệu quả, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách đối với cán bộ tín dụng, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và tổ trưởng TK&VV… Trong đó tập trung tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến cài đặt, sử dụng các tiện ích trên thiết bị điện thoại di động đối với các ứng dụng của Ngân hàng CSXH.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, đến thời điểm này, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh là trên 4.111 tỷ đồng với trên 71 nghìn khách hàng đang vay vốn. Thực hiện chương trình chuyển đổi số, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã triển khai chương trình và sử dụng các tiện ích giao dịch Mobile Banking; có trên 20 nghìn khách hàng vay vốn chính sách đang thực hiện các giao dịch qua ứng dụng của ngân hàng trên thiết bị di động.

Bên cạnh ứng dụng Mobile Banking, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh trang bị công nghệ, hệ thống phần mềm hiện đại có tính bảo mật cao tới các bộ phận. Triển khai phần mềm ứng dụng camera trực tuyến liên thông trong hệ thống Ngân hàng CSXH; giám sát, chỉ đạo điều hành từ xa đối với hoạt động tại cơ sở; xây dựng phần mềm giám sát trạng thái mạng; tự động rà soát lỗi của hệ thống dữ liệu. Qua đó, góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và phát triển các giao dịch tài chính, phi tài chính của đơn vị, bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi, tiện ích cho người nghèo và các đối tượng trong diện thụ hưởng; chủ động nắm bắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.

Nguồn tin: baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
47 người đang online