Chuyển đổi số của Việt Nam: Ai hợp tác tốt, người đó sẽ thắng?

Việt Nam có gần 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, khoảng 29.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Muốn chuyển đổi số nhanh, bền vững, bao trùm, toàn dân phải cùng nhau vào cuộc.

Theo thông tin tại Phiên họp Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia mới đây, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

“Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” trọng tâm chuyển đổi số của năm 2024

Cơ hội và thách thức lớn trong chuyển đổi số của Việt Nam

Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số.

Chính phủ cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hoá của người dân. Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số.

Theo Bộ TT&TT, tại thời điểm hiện nay, khi kinh tế số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, việc ra đời Làng số trên các nền tảng số góp phần truyền cảm hứng, trang bị kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời mở ra cơ hội cho mỗi người dân ở mọi miền đất nước hiểu rõ hơn về cách thức công nghệ số được ứng dụng vào các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ đó thay đổi cách họ sống, làm việc, kinh doanh, mua sắm và giải trí.

Hiện, Việt Nam có gần 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, khoảng 29.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Muốn chuyển đổi số nhanh, bền vững, bao trùm, toàn dân phải cùng nhau vào cuộc. Để làm được như vậy, mỗi người dân, mỗi làng, mỗi xã, mỗi hợp tác xã đều cần một cuốn sách truyền cảm hứng về những ví dụ cụ thể, dễ đọc, dễ làm và quan trọng nhất là có thể tự làm, để từ đó, tự mình có thể giúp chính mình chuyển đổi số mà không phụ thuộc vào người khác.

Giải thích về chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” trọng tâm chuyển đổi số của năm 2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, “từ khóa” ở đây là thay đổi cách tiếp cận.

“Thay vì kêu gọi các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số; năm nay ngành TT&TT sẽ đưa đội ngũ của mình, các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số đi làm ứng dụng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực. Bộ TT&TT đã xác định sứ mệnh của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số là dùng công nghệ số để làm cho Việt Nam phát triển, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Muốn vậy, cần làm chủ công nghệ, sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, do đó cần tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo hẹp, trí tuệ nhân tạo dùng riêng; phải quản lý trí tuệ nhân tạo chung, công cộng để giảm thiểu rủi ro; quản lý nhà nước thì cần khởi động 1% việc để 99% còn lại "tự chạy". Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần đi ra nước ngoài, sản phẩm Make in Vietnam cần được thử thách, khẳng định năng lực thông qua việc tham gia cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, phát triển ở nước ngoài, sau đó quay trở lại chinh phục thị trường Việt Nam, từ đó sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

“Trong thời chuyển đổi số này, không ai là người nhanh nhất. Trọng tâm của thời chuyển đổi số này là hợp tác. Ai hợp tác tốt, người đó sẽ thắng”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Việt Nam được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá, hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ở khu vực. Minh chứng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu.

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian qua được minh chứng rõ ràng nhất là các chỉ số về đổi mới sáng tạo và chỉ số năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đều tăng bậc. Đặc biệt kể cả sau giai đoạn dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện chỉ số này.

“Số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả ở khu vực công và tư đều tăng trưởng về số lượng và năng lực hoạt động. Cùng với đó, các sản phẩm, mô hình kinh doanh kêu gọi vốn đầu tư được cả trong nước và quốc tế tăng về số lượng, chất lượng và quy mô. Những sự kiện Diễn đàn công nghệ Techfest quốc gia, quốc tế, vùng, địa phương đều lan tỏa, thu hút sự tham gia của các bạn trẻ theo mô hình mới”, ông Phạm Hồng Quất dẫn chứng.

Ông Phạm Hồng Quất nhận định: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn trong việc hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là những ưu tiên của các tổ chức quốc tế khi tới Việt Nam”.

“Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp trẻ tiếp cận với giới đầu tư, các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng phát triển châu Á, chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc… để có thể đem những câu chuyện điển hình của Việt Nam đi quốc tế và ngược lại mang những câu chuyện thành công của quốc tế đến với Việt Nam”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

“Việt Nam được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có nhiều tiềm năng trong giai đoạn tới, nhất là những lĩnh vực như công nghệ chế biến thực phẩm (foodtech), công nghệ chăm sóc sức khỏe y tế, logistics, tăng trưởng xanh, tín chỉ carbon…”, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho hay.

Con người, thể chế, công nghệ quyết định thành bại của chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1690 cuối tháng 12/2023 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án xác định 3 yếu tố “con người, thể chế và công nghệ” cơ bản quyết định thành bại của chuyển đổi số.

Theo mục tiêu đề án, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường biên chế từ nguồn biên chế hiện có cho chuyển đổi số, để thực hiện các nhiệm vụ mới về chuyển đổi số. Cấp xã phân công, bố trí cán bộ đầu mối. Tổ Công nghệ số cộng đồng trở thành khái niệm được công nhận chính thức sau 2 năm thí điểm triển khai. Đồng thời sẽ xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng, đáng chú ý của đề án là nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án được ngân sách nhà nước bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn tin: baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
96 người đang online