15/03/2023 | lượt xem: 1 Chuyển biến từ nhận thức Đến hành động Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 06). Nghị quyết được xác định là kim chỉ nam cho các hoạt động chuyển đổi số nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Thực hiện Nghị quyết số 06, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thông qua các quyết định, kế hoạch và các ngành, địa phương căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số riêng theo mục tiêu, lộ trình cụ thể. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06, công cuộc chuyển đổi số ở tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực; chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và người dân. Hạ tầng kỹ thuật, nền tảng số cần phải đi trước một bước. Do vậy, tỉnh đã chỉ đạo tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. Hệ thống cáp quang, trạm thu, phát sóng thông tin di động, truy cập internet đã phủ sóng 100% thôn, tổ dân phố. Điều này thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp và bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực. Đến hết năm 2022, đã có trên 40% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, nhiều sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 100%. Thực hiện Nghị quyết số 06, thành phố Hưng Yên tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số. Bộ phận một cửa UBND thành phố và các xã, phường được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến tại bộ phận một cửa UBND thành phố Hưng Yên đạt gần 90%. Đồng chí Vũ Minh Đảm, Bí thư Đảng ủy xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu theo Nghị quyết số 06, Đảng ủy, UBND xã ban hành các kế hoạch triển khai. Hằng năm, xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo lộ trình, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức. Đến nay, 100% văn bản đi/đến của xã được tiếp nhận, xử lý trên môi trường mạng. Xã áp dụng quy trình ISO trong giải quyết thủ tục hành chính; sử dụng chữ ký số chuyên dùng, sử dụng biên lai điện tử trong thanh toán khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với chính quyền số, kinh tế số đang ngày càng có đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Kinh tế số trong gần 2 năm qua cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh hiện nay có trên 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử với trên 180 nghìn sản phẩm bày bán. Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm. Nhiều dịch vụ thiết yếu như: Điện, nước, viễn thông, giáo dục, y tế chuyển sang hình thức thanh toán số. Trong bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng được người dân tin dùng thay thế phương thức thanh toán truyền thống. 85% số người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, 86% số người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia công cuộc chuyển đổi số, hình thành công dân số. Giờ đây, nhiều hoạt động trong đời sống xã hội được triển khai thực hiện trên môi trường số. Đồng chí Vũ Thị Nụ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú (Yên Mỹ) cho biết: Hiện nay, lãnh đạo thôn sử dụng ứng dụng Zalo phục vụ nắm bắt thông tin và lãnh đạo, chỉ đạo. Mọi thông tin chỉ đạo từ cấp trên đều được chia sẻ để những người liên quan nắm bắt, thực hiện nên tiến độ công việc nhanh hơn trước nhiều. Ngoài ra, nhiều hội nghị của Trung ương, tỉnh, huyện thực hiện theo hình thức trực tuyến kết nối đến cấp xã nên chúng tôi được nghe đầy đủ, chính xác các thông tin, đồng thời có thể trao đổi trực tiếp với người có thẩm quyền để được giải đáp thắc mắc… Chuyển đổi số dần định hình cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng để công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đạt kết quả như mong đợi, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của cộng đồng trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Chuyển đổi số phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nguồn tin: baohungyen.vn
Phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố năm 2024