16/02/2024 | lượt xem: 2 Cán bộ, công chức thời công nghệ số Sự phát triển đột phá của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã tác động và làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này mang lại vận hội mới cho đất nước, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) nói riêng làm thế nào để làm chủ được công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Từ năm 2023, các cuộc họp của tỉnh do Sở Nội vụ tham mưu hoặc chủ trì, tổ chức thì tài liệu phục vụ hội nghị đều được gửi qua hộp thư công vụ và số hóa thông qua 1 mã QR code để các đại biểu tự quét, cập nhật về máy tính, điện thoại cá nhân. Đồng chí Nguyễn Thị Thiều Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tài liệu được số hóa không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn, nơi lưu trữ tài liệu mà còn giúp CB,CC,VC tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi; xử lý công việc thuận tiện. Nhờ số hóa tài liệu, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số ngành nội vụ mà việc cải cách hành chính (CCHC), trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng nhanh và hiệu quả hơn; nhờ ứng dụng công nghệ số, các ngành, địa phương dễ dàng hơn trong việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Cán bộ, công chức huyện Tiên Lữ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh diễn ra vào tháng 3/2023 là “Kỳ họp không giấy” đầu tiên của HĐND tỉnh. Các đại biểu đến dự không nhận tài liệu in trên giấy, mà được cung cấp địa chỉ truy cập phần mềm Hệ thống quản lý điều hành để khai thác thông tin, báo cáo, nội dung liên quan đến kỳ họp. Các hoạt động của HĐND tỉnh tại kỳ họp cũng đều được điều hành và thao tác trên môi trường điện tử. Theo dõi kỳ họp qua hệ thống thông tin đại chúng, ông Nguyễn Khánh Huy ở xã Nghĩa Dân (Kim Động) bày tỏ: Mỗi kỳ họp không giấy tiết kiệm đáng kể tiền in ấn tài liệu, hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đem lại hiệu quả hơn… Toàn tỉnh hiện có 20 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 110 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện với gần 1,6 nghìn người làm việc. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa. Tỉ lệ cán bộ, công chức có trình độ trên đại học chiếm 31,3%; trình độ đại học chiếm 66,9%... Trước áp lực rút ngắn thời gian giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay 100% số CB,CC của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được cấp máy tính; nhiều CB,CC tự trang bị máy tính xách tay, máy tính bảng để khi đi công tác, dự hội nghị sẽ thuận tiện cho việc truy cập tài liệu, có thể tranh thủ thời gian giải quyết công việc. Anh Đặng Hải Đăng, công chức huyện Kim Động cho biết: Để tìm được tài liệu, xử lý công việc nhanh thì cán bộ phải làm chủ công nghệ thông tin; phải đọc để nhớ thông tin cơ bản của các tài liệu và phải mã hóa tài liệu vào kho dữ liệu cá nhân một cách khoa học. Anh nói vui: Làm được như vậy thì “Mỗi người làm việc bằng hai” là chuyện đơn giản. Chuyển đổi số là thời cơ, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi đội ngũ CB,CC,VC phải có kiến thức, chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0; phải là một “công dân số” thực thụ mới đủ năng lực thích ứng với xu thế phát triển công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và các nhiệm vụ nơi công sở. Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CB,CC,VC, tỉnh cũng từng bước tinh giản biên chế. Nhờ vậy, bộ máy hành chính ngày càng tinh gọn, chất lượng đội ngũ CB,CC,VC được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý nhanh nhạy, nắm bắt xu thế, giúp cơ quan, đơn vị, địa phương mình được giao quản lý chuyển đổi số mạnh mẽ; công tác quản lý, điều hành hiệu quả; chỉ số CCHC luôn ở top đầu như: Sở Nội vụ, Sở Công Thương, huyện Văn Lâm... Tuy nhiên, nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của một bộ phận CB,CC,VC chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc; không ít CB,CC,VC ngại thay đổi, không tự học để nâng cao năng lực, trình độ dẫn đến công việc trì trệ... Để thích ứng với tình hình mới, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này cho thấy sự bức thiết, yêu cầu đặt ra trong thực thi công vụ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi CB,CC,VC, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quán triệt, chỉ đạo đội ngũ CB,CC,VC đổi mới tư duy, thái độ làm việc, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đồng thời, mỗi cơ quan, tổ chức thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CB,CC,VC chất lượng cao trong đó cần chú trọng đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế, quản lý xã hội. Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với những người có tài năng để họ phát huy khả năng sáng tạo, yên tâm cống hiến. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ để chúng ta tận dụng những thành tựu tri thức, khoa học kỹ thuật của nhân loại, “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, yếu tố quyết định là xây dựng và phát triển đội ngũ CB,CC,VC có phẩm chất đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ được công nghệ số trong thực thi công vụ. Có như vậy, nền hành chính mới vận hành hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nguồn tin: baohungyen.vn
Phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố năm 2024