Bất khuất, kiên cường đánh đuổi giặc Pháp xâm lược

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; l

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Mỹ công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Anh xuất phát từ quyền lợi thực dân và theo quỹ đạo của Mỹ cũng ra sức ủng hộ ý đồ của thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương.
Huấn luyện dân quân tự vệ ở huyện Tiên Lữ
Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16.12.1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17.12.1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18.12.1946, tướng Môlie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20.12.1946.
 
Ngày 18 và 19.12.1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19.12.1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19.12.1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngay trong đêm ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước. Ngày 22.12.1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”.
 
Tại tỉnh ta, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hưng Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hưng Yên đã cùng cả nước đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều đoàn công tác của tỉnh tỏa về các địa phương cùng với cấp ủy và chính quyền cơ sở tổ chức học tập "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị của Trung ương... Công việc chuẩn bị kháng chiến được triển khai với tốc độ khẩn trương. Về mặt chuẩn bị chiến đấu, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo củng cố lực lượng vũ trang tỉnh: Điều 150 cảnh vệ các huyện lên tỉnh, lấy tự vệ du kích xã lên huyện; thành lập thêm các đội cảm tử; thành lập Mặt trận Bắc Hưng Yên và tổ chức trận địa phòng ngự tại Cầu Ghênh (Như Quỳnh). Nhân dân địa phương cùng với lực lượng vũ trang đào hàng trăm công sự chiến đấu dọc đường 5. Trận địa chính bố trí bên bờ phía Đông sông Ghênh, phía bắc cầu và chợ Ghênh; đào giao thông hào dọc hai bờ sông nối liền trận địa với xóm Ngọc Quỳnh, Lê Xá. Mọi công việc tổ chức trận địa, chuẩn bị chiến đấu hoàn thành vào những ngày cuối năm 1946.
 
Thực hiện ý đồ đánh chiếm đường 5, tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng, ngày 4.1.1947, địch sử dụng một tiểu đoàn có xe tăng dẫn đường từ Phú Thụy tiến xuống Như Quỳnh. 17 giờ chiều cùng ngày, chúng lọt vào trận địa của ta. Quân và dân kiên cường bám trận địa, chặn đứng cuộc tiến công của chúng. Sau  hơn một giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt gần 100 tên địch, thu 7 súng, 35 lựu đạn. Bị thiệt hại nặng nề, địch phải rút về khu Chùa Bà (Lương Xá, Gia Lâm). Đây là chiến thắng đầu tiên, làm nức lòng quân và dân toàn tỉnh. 
Huấn luyện dân quân tự vệ ở huyện Ân Thi
Chiến thắng mở đầu này đã củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng của quân và dân Hưng Yên, mở ra các phong trào "luyện quân lập công", phong trào thi đua ái quốc và phát động thi đua với các đơn vị điển hình tiên tiến: Đánh mìn giỏi trở thành vua địa lôi, dùng đòn gánh đánh Tây như du kích Từ Hồ, bộ đội Mỹ Hào cướp trung liên địch, trận đánh hóa trang kỳ tập của bộ đội Yên Mỹ tại bốt Nho Lâm, đánh tàu hỏa giỏi như Đại đội Vũ Hổ... Cùng với đó, phát triển chiến tranh du kích, tiêu diệt đồn bốt, đập tan sự kìm kẹp của địch như ở Nguyên Hòa (Phù Cừ)... Sau hơn 7 năm trường kỳ kháng chiến (từ ngày 4.1.1947 đến ngày 27.7.1954), quân và dân Hưng Yên đã đánh 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch, bắt sống 4.917 tên, ra hàng 12.052 tên… Những chiến công trên đường 5, đường sắt và vùng phụ cận đã góp phần làm nên “Đường 5 bất khuất, đường sắt kiên cường” vang dội. Không những thế, quân và dân Hưng Yên đã tiêu diệt hàng trăm đồn địch, đánh hàng trăm đợt vây càn của địch, đánh bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đánh ở mọi nơi, mọi lúc, tạo nên “thiên la, địa võng” của chiến tranh du kích, trở thành một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc bộ, đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với những thành tích trên, tỉnh ta đã được Đảng và Nhà nước khen tặng 10 Huân chương quân công, 30 Huân chương chiến công, 3 Huân chương kháng chiến và hàng vạn huân chương, huy chương các loại tặng cho cơ quan, đơn vị, gia đình và người có công lao, thành tích trong kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”. Hàng trăm người có thành tích trên các lĩnh vực chiến đấu, sản xuất, công tác được bình bầu là chiến sỹ thi đua các cấp, trong đó có 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là đồng chí Dương Quảng Châu, bộ đội chủ lực (xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên) và liệt sỹ Bùi Thị Cúc, công an, du kích (xã Vân Du, huyện Ân Thi)…
 
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Hưng Yên đã cùng cả nước chung sức đồng lòng quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Tuy Hưng Yên không phải là địa bàn trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, song được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Hưng Yên đã thành lập các trận địa phòng không ở Tiên Lữ, Mỹ Hào, Văn Giang… và các trận địa phòng không này luôn là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Quân và dân Hưng Yên cùng với hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước hoàn toàn thống nhất. 
 
70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành dấu son lịch sử chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Hưng Yên đã nhất tề đứng lên đấu tranh kiên trung, bất khuất để bảo vệ quê hương đất nước. Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng đó, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày một vững chắc, tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng; quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 
baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
98 người đang online