Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã Trung Dũng

Đăng ngày 09 - 05 - 2024
100%

Từ một xã nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay xã Trung Dũng (Tiên Lữ) đã vươn lên thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn, đời sống của người dân ngày một khá hơn.

Diện mạo nông thôn ở xã Trung Dũng hôm nay đã có nhiều đổi khác. Những con đường trước đây gập ghềnh, lầy lội nay đã thành đường nhựa, đường bê tông sạch đẹp. Tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trong xã đạt 100%. Nhiều tuyến đường bê tông rộng rãi chạy thẳng ra cánh đồng và các khu sản xuất. Hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng được tu bổ, đồng ruộng được chỉnh trang, quy hoạch khoa học. Hệ thống điện được nâng cấp, bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất và dân sinh.

Đồng chí Bùi Như Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Trung Dũng cho biết: “Những năm qua, xã quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các công trình phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống dân sinh của nhân dân như: Giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất, đồng thời khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ đó người dân trong xã đã phát triển kinh tế với nhiều thành phần, cơ bản người lao động trong độ tuổi có việc làm, có thu nhập ổn định”.

Sản phẩm nấm của xã Trung Dũng tham gia trưng bày tại hội chợ

Trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây xã Trung Dũng phát triển mạnh các giống lúa chất lượng cao, hướng hàng hóa, phù hợp với cơ cấu giống của huyện, của tỉnh. Xã duy trì diện tích trồng lúa hơn 500 ha. Trong xã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thả thủy sản; trồng nấm thương phẩm... Nhiều mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đàn lợn toàn xã hiện có khoảng trên 7890 con; đàn trâu, bò khoảng hơn 240 con; diện tích nuôi trồng thủy sản  khoảng 32,5 ha sản lượng ước đạt 7,2 tấn/ ha/ năm, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng  trên 160 tấn/năm. Hoạt động chăn nuôi hàng năm đem lại cho địa phương nguồn thu từ 10 đến 15 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn của hộ dân xã Trung Dũng

Các lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp đã được xã Trung Dũng quan tâm phát triển. Hiện nay, toàn xã có 5 cơ sở gia công hàng may mặc, giải quyết việc làm cho trên 130 lao động địa phương. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp như: cơ khí, sản xuất đồ mộc dân dụng, chế biến nông sản... Gần 20 tổ thợ xây, mỗi tổ thu hút hàng chục lao động. Người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong xã có thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Ngọc, người lao động trong xã vui vẻ cho biết: “Trước đây vợ chồng tôi phải đi làm ăn xa, có khi cả tháng không về, không có điều kiện chăm sóc con cái. 2 năm nay tôi đã xin về làm tại xưởng may trên địa bàn xã, công việc vừa ổn định, thu nhập khá lại gần nhà, giảm bớt các chi phí”.

Hiện nay trên địa bàn xã có trên 100 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ như vận tải, xây dựng, tạp hóa, hàng tiêu dùng, thực phẩm... Vừa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân địa phương, người dân các xã lân cận, vừa tạo thu nhập khá cho hộ sản xuất, kinh doanh.

Ước tính đến thời điểm tháng 3/2024 toàn xã có trên 160 lao động xuất khẩu và khoảng gần 600 lao động đi làm ăn, lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có thu nhập khá. Ngoài ra các nghề mộc nề, xây dựng, vận tải... phát triển khá, thu hút nhiều lao động địa phương. 

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 66 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn còn 1,27 %.

Thời gian tới, xã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa toàn diện theo hướng hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng nhanh các biện pháp sản xuất thâm canh mới, tăng nhanh diện tích gieo cấy những giống cây trồng mới chất lượng và giá trị hiệu quả kinh tế cao; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp. Đồng thời khuyến khích mô hình sản xuất liên kết, hợp tác xã kiểu mới nhằm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; mặt khác phát triển hơn nữa các mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn liền với tuyên truyền vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường sống, môi trường sản xuất.

 

Tin mới nhất

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức phiên họp quý IV để tổng...(17/01/2024 9:10 CH)

Ngân hàng chính sách xã hội huyện Trao tiền hỗ trợ lá chưa lành(23/05/2023 1:31 CH)

Xã Dị Chế đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(25/04/2023 1:00 CH)

Ban đại diện ngân hàng chính sách họp quý I / 2023(17/04/2023 3:14 CH)

Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người...(21/07/2022 2:53 CH)

Dấu ấn 20 năm triển khai chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ(17/07/2022 9:24 SA)

Hội nghị triển khai về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động(08/06/2022 9:47 SA)

Hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội(07/06/2022 3:35 CH)

°
168 người đang online