Đền Đậu An

Đền Đậu An - Khu di tích lịch sử - văn hóa, thuộc địa phận thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đền Đậu An ngày xưa còn có tên là "Thụy ứng Quán" (Quán điềm lành), nơi thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Ngũ Lão tiên ông và các vị Thiên tiên, Địa tiên. Hằng năm, lễ hội được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 12, tháng 4 (âm lịch). Trong đó, ba ngày 6,7 và 8 là ngày hội chính.

 

 Đền Đậu An

NGÔI ĐỀN CÓ NIÊN ĐẠI TRÊN 2200 NĂM
        Tục xưa truyền rằng Chạ Xá (An Xá ngày nay) là một vùng đất sình lầy, rừng xanh hoang vu, có nhiều thú dữ. Một hôm Thiên tiên, Địa tiên mở cổng nhà trời xuống hạ giới, hướng dẫn dân lành khai phá đất hoang và phát triển nghề trồng lúa nước. Rồi, Ngũ lão tiên ông chính là người có công huy động dân làng khẩn hoang diệt thú, dựng "Thụy ứng Quán". Khi ấy, nơi đây chỉ đơn thuần là "Quán lều tranh" trên mảnh đất có hình dáng đầu Rồng, xung quanh có hồ nước bao bọc. Sau này, ở triều Lý (1010 - 1225), có một vị vua đã lớn tuổi mà chưa có con trai để lập ngôi thái tử đã đi nhiều nơi cầu tự và cho xây nhiều đền, chùa. Khi hoàng hậu về dự lễ hội và cầu tự tại "Thụy ứng Quán" được đắc tự, Thái hoàng Thái hậu đã cúng tiến xây dựng nơi đây thành tòa nhà lộng lẫy uy nghi. Kể từ đó "Thụy ứng Quán" càng được biết đến như một chốn linh thiêng. Du khách thập phương ở khắp nơi đến đền để hưởng thuần phúc (cầu tài, cầu lộc, cầu phúc...)
 
Lễ dân hương đền Đậu An

          Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, đền Đậu An đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, song vẫn giữ được vẻ đẹp đặc sắc từ lối kiến trúc hết sức riêng của "Thụy ứng Quán". Cụm di tích được bao bọc bởi những cây đại thụ. Đền gồm: Đền Thượng (đền chính), đền Hội đồng, đền Thánh mẫu... Nơi lưu giữ những nét đặc sắc nhất phải kể đến tòa đền Thượng, được kiến trúc hình chữ  Đinh gồm ba tòa nhỏ: Tiền tế, Thượng điện và Hậu cung. Tiền tế có năm gian làm bằng gỗ quý. Thượng điện được các nghệ nhân tài hoa xây dựng, trạm khắc bằng đá quý với tiết họa hoa văn Rồng phượng. Xung quang đền còn có nhiều di vật lịch sử. Trước cửa đền Thượng có "tháp cửu trùng" (chín tầng tháp cổ) bằng đất nung. Tháp được xây dựng từ thời Lý - Trần. Đây là ngọn tháp có lối kiến trúc và tiết họa khá độc đáo. Người đời tin rằng tháp cao chín tầng biểu thị chín tầng mây cao vời vợi của chốn thần tiên, là con đường "thăng thiên, giáng trần" của Ngọc Hoàng thượng đế và các đấng thiên thần, là nơi giao hòa giữa trời và đất. Khánh đá ở đền Đậu An cũng được xem như một di vật quý hiếm. Truyền thuyết ghi rằng, Khánh đá được đánh lên là cả một vùng lớn thuộc đồng bằng Bắc Bộ nghe thấy rủ nhau đi trẩy hội Đậu An.

 
NÉT ĐẸP VĂN HÓA TÍN  NGƯỠNG ĐỘC ĐÁO 
 
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể quý hiếm nói trên, một di sản phi vật thể vô giá đã và đang được lưu giữ trong tâm khảm mỗi người dân địa phương và du khách, đó là phần Lễ hội.
Lễ hội Đậu An được tổ chức từ ngày 6 đến 12, tháng 4 (âm lịch). Trong đó ba ngày 6, 7 và 8 là ngày hội chính. 
Ngày 6 là ngày khai hội - ngày nhân dân tổ chức dâng hương bái yết Ngọc Hoàng. Lễ dâng hương có sự hiện diện của Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão tiên ông.
Theo dân gian, Thiên tiên và Địa tiên là hai người to lớn dị thường, được Ngọc hoàng phái xuống hạ giới. Tại chốn trần gian, hai vị đã sinh ra nhiều con cháu, rồi khẩn khoang đất trống lập làng " Chạ Xá ". Sau đó Ngũ Lão tiên ông cũng được phái xuống hạ giới giúp Thiên tiên, Địa tiên hướng dẫn nhân dân diệt trù thú dữ và phát triển nghề trồng lúa nước. Ba vị tiên này được nhân dân vô cùng tôn kính và biết ơn. Các vị tiên này được tin là những người đầu tiên khai lập ra Chạ Xá và xây dựng "Thụy ứng Quán". Vì thế mà kiệu thờ ba vị luôn được rước lên đền Thượng bái yết Ngọc Hoàng vào ngày lễ hội đầu tiên. Phải chăng điều này được xem như là lễ báo công của Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão tiên ông với Ngọc Hoàng thượng đế.
          Ngày hội tiếp theo, ngày 7, cũng được diễn ra hết sức long trọng. Các kiệu thờ được rước vùng quanh làng. Những người đi rước kiệu cũng được lựa chọn rất kỹ càng. Đó là những người khỏe mạnh, có lý lịch và lối sống trong sáng. Trang phục những người này được mặc có màu hồng hoặc mầu đen mang đai thắt. Đi trước mỗi chiếc kiệu là một cụ ông gõ "trống lệnh", với trang phục áo the đen, khăn xếp. Kiệu đặc biệt nhất là kiện Bát cống - rước Ngọc Hoàng thượng đế, đi dưới kiệu là ông thầy cả (người trông coi đền Thượng) với trang phục "áo ngự" có "cận thần" theo sau "hầu quạt". Khi kiệu Ngọc Hoàng và các vị tiên được rước qua, ở đầu mỗi ngõ xóm đều được dân làng bày bàn thờ và lễ vật cúng tiến... Cả đoàn lễ rước cứ trôi đi trong không khí vừa tưng bừng vừa nghiêm trang. Tiếng trống đại, cồng chiêng, phường bát âm, phật cờ tung bay trong gió... Tất cả tạo cho ta cảm giác như mình được "sống lại" đời sống dân gian. Trong sâu thẳm thế giới tâm linh mỗi con người như có lời của cha ông từ ngàn xưa vọng về. Tâm hồn ta như được thăng hoa, siêu thoát và tăng thêm tính hướng thiện. 
Ngày 8 được coi là ngày hội lớn nhất của Lễ hội Đậu An. Không biết từ khi nào câu hát dân gian dí dỏm, rằng "Mồng 8 tháng 4. Ai không xem hội thì hư mất đời" được lưu truyền. Chỉ biết rằng ngày 8 là ngày hội tưng bừng nhất của Hội Đậu An. Đây là ngày nhân dân trẩy hội đông nhất. Bao dòng người nô nức tiến đến trước cửa "tổ hùm" - xóm Đình Vô - để được xem biểu diễn Sự tích đánh hổ.
Chuyện xưa kể rằng vào một buổi sáng Ngọc Hoàng trên đường vi hành đến Chạ Xá thì được tin có hổ dữ ở phía tây làng. Ngọc Hoàng hạ chiếu cho Đức ông Lỗ Quốc Đình Vô giải quyết. Đức Ông phái Tiên Bồng Đô Nguyên Súy cùng hai lực sĩ cưỡi ngựa hồng đi đánh hổ. Sau hồi lâu đánh nhau với hổ vẫn chưa phân thắng bại, hổ chạy vào tổ náu mình. Tiên Bồng Đô Nguyên Súy cử hai lực sỹ loan tin cho nhân dân biết và khẩn cầu người tài giúp sức. Vừa lúc đó mẹ con bà Khó đang trên đường hành khất đi tới, bà rảo bước tới lễ Đức Ông và bái yết Ngọc Hoàng xin được theo Tiên Bồng diệt trừ hổ ác. Lời khẩn cầu được chấp nhận. Bà Khó cầm đòn gánh giáng mạnh ba nhát làm rung chuyển cả tổ hùm, đất đá rơi rào rào, vừa đánh bà vừa nói: "Ông cả bà lớn đi đâu, để cho mẹ Khó đánh nhau với hùm". Tức thì hổ hốt hoảng chạy ra khỏi tổ, bị bà Khó và Tiên Bồng Đô Nguyên Súy cùng hai lực sỹ đánh cho chín gậy vào đầu, hổ chết và được lột da, chặt đầu về đình Vô tế lễ. Sự tịch này thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân cùng với niềm tin sâu sắc sức mạnh của cộng đồng làng xã có thể chiến thắng thiên tai, đuổi trừ ác thú.
Đuổi được thú dữ ra khỏi làng là khát vọng thiêng liêng của dân lành. Điều này khiến họ tin rằng mùa màng sẽ bội thu, con gái làng sẽ đẹp, dân làng được sống yên vui...
Niềm tin này đã và đang được lưu truyền trong nhân dân. Chẳng thế mà cho đến nay, cành và lá si trang trí trên nóc tổ hùm vẫn được xem như vật thiêng. Nhiều người đi lễ hội khi được xem "đánh hổ" đều cố giành cho mình một chút lá si với niềm tin lá si sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và người thân.
             Đền Đậu An là một quần thể kiến trúc độc đáo đậm chất văn hóa dân tộc. Lễ hội Đậu An là một lễ hội lớn, thu hút hành ngàn người tham gia với quy mô hoành tráng. Lễ hội mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân gian nói chung và nét đẹp của nền văn hóa lúa nước vùng Bắc Bộ nói riêng. Nó thể hiện khát vọng cháy bỏng của con người về một cuộc sống yên vui, ấm no và hạnh phúc...