ĐẬU AN - ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TÂM LINH

Đăng ngày 10 - 09 - 2019

Đền Đậu An - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tọa lạc theo trục Bắc - Nam trên khu đất cao ráo ở phía tây làng An Xá (xã An Viên huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên) với diện tích 2,2 ha trên mảnh đất hình đầu rồng, mảnh đất phong thủy, linh thiêng hiếm có trong khu vực trung tâm vùng châu thổ Bắc Bộ, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị của văn hóa Đạo Giáo trong đời sống cộng đồng xưa và nay.

 

Toàn cảnh Đền Đậu An (xã An Viên huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên)

         Đền Đậu An là di tích  đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 05 tháng 9 năm 1989. Thuở xưa Đền Đậu An có tên là Thụy Ứng Quán ( Quán Thụy Ứng ) với ý nghĩa mong muốn phúc lành cho muôn dân trăm họ và sự linh thiêng được lâu dài, mãi mãi.

        Là một di tích lớn gắn liền với sự hình thành và phát triển của văn hóa đạo giáo ở nước ta, đền thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng Ngũ Lão Tiên Ông, các vị Thiên Tiên, Địa Tiên. Lễ hội Đền Đậu An được tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng 4 (âm lịch) hằng năm, trong đó các ngày: mồng 6,7,8 là ngày hội chính.

          Ngôi đền linh thiêng có lịch sử hình thành trên 2000 năm

       Qua thần tích, bia ký và truyền thuyết của nhân dân địa phương, khu vực Đền Đậu An xưa kia là vùng đất sình lầy, lau sậy hoang vu, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt. Vào một đêm mưa gió, sấm chớp nổi lên ầm ầm, Ngọc Hoàng Thượng đế đã phái Ngũ Lão Tiên ông cùng các vị Thiên Tiên, Địa Tiên mở cổng nhà trời hóa thân xuống hạ giới dựng một Thảo Am nhỏ như một Ngôi Quán đạo (hay còn gọi là Quán lều tranh) trên mảnh đất hình đầu rồng tại phía tây làng An Xá. Các vị đã dạy dân làng khai khẩn đất hoang, trồng lúa nước, diệt trừ thú dữ bảo vệ mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống hạnh phúc, no đủ cho nhân dân. Thấy đó là một sự linh ứng mang phúc lành và tin tưởng, mong muốn rằng sự linh thiêng đó sẽ mãi mãi đến với dân làng nên đã đặt tên Ngôi Đạo Quán là Thụy Ứng Quán. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài với nhiều lớp phù sa văn hóa được bồi đắp bằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo văn hóa của cư dân An Xá trên nền tảng của các tín ngưỡng nông nghiệp bản địa. Văn hóa Đạo giáo đã có sự phù hợp, thấm sâu vào đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trở thành một hệ quy chiếu căn bản về quan niệm, tư tưởng ý chí, hành động của nhân dân trong đời sống cộng đồng xưa và nay, là những cứu cánh tinh thần không thể thiếu với những biểu hiện về các giá trị di sản văn hóa, lễ hội hằng năm được tổ chức tại đây.

        Trong quá trình lịch sử hình thành, tồn tại lâu dài, di tích Đền Đậu An được biết đến là một nơi rất linh thiêng. Truyền thuyết còn lưu giữ câu chuyện vào thời Lý có một vị Vua đã nhiều tuổi mà chưa có con trai để lập ngôi Thái tử. Vua đã đi nhiều nơi cầu tự và cho xây nhiều đền, chùa. Khi Hoàng hậu về cầu tự và dự lễ hội tại Thụy Ứng Quán đã được đắc tự. Cảm kích sự linh ứng của Ngọc Hoàng Thượng Đế và các bậc Tiên Thánh, vị Hoàng Hậu đã cúng tiến và vận động nhân dân xây dựng ngôi đền thành những tòa nhà lộng lẫy, uy nghi. Từ đó Thụy Ứng Quán càng được biết đến là một nơi linh thiêng. Du khách thập phương đến để hưởng thuần phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, bình an, cầu mưa thuận, gió hòa. Thời Hậu Lê, Thái hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Đệ (vợ Lê Hy Tông, mẹ vua Lê Dụ Tông) sau khi được linh ứng đã vận động tu bổ di tích và cung tiến hàng vạn quan tiền, tôn tạo tòa ống muống.

        Như vậy, về mặt lịch sử chúng ta có thể suy luận rằng vào những năm trước công nguyên nửa cuối thời kỳ Hùng Vương, một bộ phận lớn cư dân Lạc Việt đã theo các triền sông lớn xuống vùng châu thổ Bắc Bộ khai khẩn đất hoang, cải tạo tự nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng lúa nước với sức sáng tạo và trí tưởng tượng vô biên đã sản sinh ra nhiều sản phẩm văn hóa, thể hiện khát vọng lớn và những nhu cầu cơ bản trong đời sống của cộng đồng dân cư, đến nay vẫn còn nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc, linh thiêng tại Đền Đậu An được nhân dân trong và ngoài vùng biết đến. 

         Nơi lưu giữ hiện vật cổ đặc sắc và lễ hội độc đáo vùng châu thổ Bắc B

Tháp đất nung Đền Đậu An

       Đền Đậu An là di tích có lịch sử lâu đời, là nơi còn gìn giữ được nhiều hiện vật cổ rất có giá trị như 14 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Nhang án thờ trong cung cấm bằng đất nung là tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ 17 có kích thước dài 2,83m, rộng 1,06m, cao1,1m trang trí đắp nổi một số đề tài hoa văn trang trí với chủ đạo là hình cánh sen và hình con rồng với các tư thế cuộn, vờn mây khác nhau. Ngoài ra, tại di tích còn lưu giữ được một số hiện vật cổ khác rất có giá trị như tháp đất nung duy nhất hiện còn tại Hưng Yên (tháp cửu trùng) là con đường thăng thiên, giáng trần của Ngọc Hoàng thượng đế và các vị thần tiên có niên đại trùng tu thời vua Lê Huyền Tông năm Đinh Mùi (1667); khánh đá cổ có niên đại năm Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1676- 1680); chuông đồng thời vua Lê Trung Hưng; bia đá cổ có niên đại năm Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tông (1720 – 1729) ghi lại việc trùng tu Thụy Ứng Quán để ghi danh một di tích đại danh lam (một di tích lớn do Vua đứng ra vận động đóng góp kinh phí để trùng tu). Ngoài ra tại đây còn lưu giữ một số hiện vật thời Nguyễn như bia đá, các đồ thờ và đặc biệt là tòa trung từ (ống muống) làm bằng đá được trang trí rất đẹp bởi các hoa văn và nhiều đề tài khác nhau.

Nhang án bằng đất nung trong cung cấm Đền Đậu An có niên đại từ thế kỷ XVII (Ảnh chụp lại từ sách "Di tích cổ vật Hưng Yên)

         Ngoài các giá trị về di vật cổ vật của di tích, nơi đây còn có một giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang được người dân và du khách lưu giữ trong tư tưởng, tình cảm của mình mỗi khi về thăm quan và dự Lễ hội Đậu An đó là phần lễ hội.

        Lễ hội Đậu An được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 4 (âm lịch) hàng năm. Trong đó ngày 6,7,8 là ngày hội chính. Ngày khai hội tổ chức lễ dâng hương bái yết Ngọc Hoàng cùng các vị thần tiên đã được phái xuống trần gian ban phúc lành, khai khẩn đất hoang và dạy dân nghề trồng lúa nước.

Lễ dâng hương tại Đền Đậu An

      Theo truyền thuyết dân gian và thần tích, các vị thần tiên trong đó có Thiên Tiên, Địa Tiên là hai người có thân hình to lớn dị thường ở lại trần gian đã sinh ra nhiều con cháu tiến hành khai khẩn đất hoang lập nên làng Chạ (Chạ Xá xưa) được Ngũ Lão Tiên Ông dạy nghề trồng lúa nước, săn bắt, phát triển sản xuất nông nghiệp cho cuộc sống được no đủ. Vì vậy, việc rước các kiệu lên đền thờ Ngọc Hoàng vào dịp lễ hội được mang ý nghĩa như là sự báo công của các vị thiên thần đối với Ngọc Hoàng Thượng đế.

      Các hoạt động trong lễ hội của đoàn rước được tiến hành trong không khí vừa tưng bừng, vừa linh thiêng nhưng cũng rất trang nghiêm trong âm hưởng của lễ hội, tất cả để cho con người ngày nay sống lại cảm giác hòa mình vào đời sống văn hóa tâm linh, dân gian để rồi tự chiêm nghiệm trong sâu thẳm thế giới tâm linh của mỗi con người, cảm nhận tinh tế từng lời của cha ông vọng về từ hàng ngàn năm trước trong tình cảm như được thăng hoa, siêu thoát. Con người đã thực sự được sống đúng với bản thể chân như vốn có về sự lương thiện của mình và đón chờ một sự phù hộ, che chở ban phúc lành, ban cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu từ các bậc thiên thần, tối thượng để tiếp tục cuộc hành trình chinh phục tự nhiên, phát triển kinh tế được thuận lợi, cũng như để tiếp thêm năng lượng, thêm cứu cánh nhằm cân bằng đời sống tinh thần, tâm linh vốn đang bị hụt hẫng trong cuộc sống lao động, sản xuất của con người.

      Đến với Lễ hội Đền Đậu An, du khách sẽ cảm nhận rất nhiều giá trị tâm linh có ý nghĩa trong cuộc sống. Chẳng thế mà từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu ca “Nhớ ngày mồng tám tháng Tư/ Ai không đi hội thì hư mất đời.” Ngày 8/4, du khách sẽ được xem trò diễn lại sự tích mẹ con nhà khó đánh hổ (hay còn gọi là đánh bệt) với ý nghĩa của sự tích này thể hiện tinh thần đấu tranh, thượng võ của nhân dân và sức mạnh của cộng đồng làng, xã có đủ sức lực và trí tuệ cải tạo tự nhiên, chiến thắng thiên tai, diệt trừ ác thú bảo về mùa màng đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

      Với những giá trị mà ngôi đền còn lưu giữ, hàng năm, điểm du lịch Đậu An đã thu hút hàng chục ngàn du khách đến thăm quan chiêm bái. Ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 981/QĐ-UBND công nhận Đền Đậu An là Điểm du lịch cấp tỉnh. Đậu An ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến du lịch tâm linh không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi về với Hưng Yên.

 

 

Tin mới nhất

Tin liên quan

°
139 người đang online