Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

Đăng ngày 28 - 08 - 2017
100%

Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng địa phương.

Là vùng đất nổi danh với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” lại nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống, đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống.
 
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn có 49 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề phong phú ở nhiều lĩnh vực như: Làng nghề Hương Cao Thôn, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên), làng nghề mây tre đan xã Liên Khê (Khoái Châu), làng nghề đan đó – rọ, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ); sản xuất rượu Trương Xá, xã Toàn Thắng (Kim Động); chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi); mộc dân dụng, xã Hòa Phong (Mỹ Hào), làng nghề chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm); đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm), làng nghề gốm sứ, hoa cây cảnh, xã Xuân Quan (Văn Giang)… Những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, mang đặc tính riêng gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của người dân đồng bằng Bắc bộ. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề trên địa bàn tỉnh nổi tiếng trong và ngoài nước được du khách gần xa biết đến như: Hương Cao Thôn, tương Bần… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. 
Làng nghề đó rọ ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)
Làng nghề đan đó, rọ ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)
Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ được “mục sở thị” các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công mà còn được trò chuyện với người thợ để khám phá văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Đặc biệt, du khách còn có những trải nghiệm thú vị khi được trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm.  
 
Tiềm năng là vậy nhưng trên thực tế, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Các sản phẩm làng nghề truyền thống dùng làm quà lưu niệm phục vụ cho du lịch còn khan hiếm, chưa có sản phẩm truyền thống mang đặc trưng riêng của tỉnh. Làng nghề hay các làng nghề truyền thống vẫn chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ như trong gia đình, trong thôn, làng, chứ chưa mở rộng ra bên ngoài, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề.
 
Cùng với đó, phần lớn các hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề thì chưa có. Hơn nữa, làng nghề truyền thống của tỉnh chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, số hộ lao động làm nghề trong các làng ít, nhiều làng nghề chưa thực sự sống bằng nghề, không khí làm nghề trong một số làng nghề trầm lắng gây khó khăn trong thu hút khách du lịch. Cơ sở hạ tầng vật chất như đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, môi trường đang gặp khó khăn. Các làng nghề chưa được đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Vì vậy, sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm làng nghề đơn điệu, nhỏ lẻ và kém hấp dẫn du khách. Mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống ở Hưng Yên với các công ty, đơn vị lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế còn nhiều hạn chế, chúng ta chưa xây dựng tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một số sản phẩm bước đầu được du khách biết đến như: Các sản phẩm được đúc từ đồng, Hương Cao Thôn, tương Bần, long nhãn nhưng chủ yếu là thông qua chủ các hàng quán ven đường hoặc tại các điểm du lịch giới thiệu chứ chưa có tour du lịch chính thống đưa khách đến tham quan nơi sản xuất.
 
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, trước hết cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách đối với hoạt động du lịch của các làng nghề và quan điểm của những người trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề để biết nhu cầu thực sự của du khách và khả năng đáp ứng của làng nghề đến đâu. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của Hưng Yên tiến hành xúc tiến, quảng bá giới thiệu các sản phẩm trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành khi đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch để họ xây dựng sản phẩm du lịch và đưa khách đến.
 
Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, bởi thế, du khách đến làng nghề không chỉ để ngắm nhìn, mua sản phẩm mà muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm. Chính vì thế, cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục truyền dạy nghề, vận động hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ theo hai hướng: Hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách.
 
Để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống, các ngành, địa phương cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái…
 
Phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề truyền thống  mang lại lợi ích kép, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Hy vọng thời gian tới, với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân, loại hình du lịch gắn với làng nghề truyền thống sẽ có bước khởi sắc, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Cao Đoài(03/10/2022 2:29 CH)

    Lễ Đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đền An Xá, Quyết định công nhận bảo vật Quốc...(06/05/2022 2:33 CH)

    Họp bàn tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá, quyết định công...(14/04/2022 3:36 CH)

    Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và Khánh thành tu bổ, tôn tạo đền thờ...(14/02/2019 3:21 CH)

    Danh sách các di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn huyện(03/07/2017 8:46 SA)

    Đền Đậu An(20/02/2017 3:10 CH)

    Cây Bồ đề nghìn năm tuổi ở Hưng Yên(23/10/2016 9:08 SA)

    °
    169 người đang online