Hưởng ứng ngày “Thế giới phòng chống lao" 24.3: “Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao”

Đăng ngày 24 - 03 - 2011
100%

Đó là chủ đề ngày “Thế giới phòng chống lao” 24.3 năm nay, nhằm kêu gọi mọi người đều có trách nhiệm tham gia phòng chống bệnh lao. Không giống các loại dịch bệnh khác, đối với bệnh lao, việc thu dung càng nhiều bệnh nhân là dấu hiệu tích cực cho thấy chương trình phòng chống lao đang ngày càng có hiệu quả. Giai đoạn 2006-2010, hoạt động phòng chống lao tại Hưng Yên cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Không giống các loại dịch bệnh khác, đối với bệnh lao, việc thu dung càng nhiều bệnh nhân là dấu hiệu tích cực cho thấy chương trình phòng chống lao đang ngày càng có hiệu quả. Kim Động hiện là địa phương được đánh giá làm tốt công này với tỷ lệ bệnh nhân lao là nguồn lây được phát hiện, thu dung cao nhất tỉnh, 72 bệnh nhân/100 nghìn dân. 5 năm qua, toàn huyện có 774 bệnh nhân mắc lao các thể, trong đó 447 bệnh nhân là nguồn lây. Nhiều địa phương có tỷ lệ bệnh nhân lao là nguồn lây được phát hiện cao như: Mai Động, Phú Thịnh... Bệnh lao ngày nay không còn là một trong “tứ chứng nan y”, hoàn toàn có thể phòng tránh và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và dùng thuốc đúng cách. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Vũ Thị Hoa, xã Mai Động (Kim Động) kể rằng, sự kỳ thị và coi bệnh lao thuộc “tứ chứng nan y” 15 năm trước rất nặng nề, khi phát hiện mình bị mắc lao bà đã rất tuyệt vọng khi nghĩ đến tương lai là những chuỗi ngày bị mọi người xa lánh. Khi ấy nhờ có sự động viên, tư vấn kịp thời của các cán bộ trạm y tế xã, bà đã yên tâm điều trị và khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện nay, số bệnh nhân lao phổi là nguồn lây được điều trị khỏi đạt trên 92%. 100% xã, thị trấn duy trì phương pháp hoá trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOST) trong điều trị bệnh nhân lao. Tỷ lệ bệnh nhân bỏ và chuyển điều trị duy trì ở mức thấp…

Để đạt được những kết quả đó, những cán bộ của chương trình chống lao phải luôn nỗ lực không ngừng. Anh Nguyễn Văn Tình, tổ trưởng tổ phòng chống lao huyện bộc bạch: “Chúng tôi ưu tiên phát hiện nguồn lây chính, đó là những bệnh nhân lao phổi có vi trùng trong đờm. Nếu vì lý do nào đó để lọt bệnh nhân lao là nguồn lây, không kiểm soát, điều trị sẽ gây nguy hiểm cho mọi người. Chẳng hạn, mỗi năm bỏ sót một bệnh nhân lao, sẽ có khoảng 25 người trong cộng đồng bị lây nhiễm lao. Công việc này vất vả, nguy cơ nhiễm lao cao, thu nhập lại thấp. Thời gian điều trị kéo dài (8 tháng) nên bệnh nhân rất dễ chán nản và bỏ cuộc. Trong khi đó, nhiều  trường hợp ngay cả người thân của bệnh nhân cũng ngại tiếp xúc do sợ lây. Vậy nhưng hàng tháng cán bộ chuyên trách vẫn luôn theo dõi điều trị tại nhà và tư vấn kịp thời cho bệnh nhân. Quan trọng nhất là củng cố niềm tin cho người bệnh lúc họ hoang mang lo lắng”. Anh Tình cho biết, nhằm phát hiện sớm những người bị bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh nhân từ khi phát hiện đến khi kết thúc liệu trình điều trị theo chương trình DOTS, tổ chống lao chủ động phối hợp với các trạm y tế xã hình thành mạng lưới chuyên trách lao xuống đến từng thôn xóm... Đồng thời, tuyên truyền để người dân tự đến các cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh lao khi thấy mình có triệu chứng nghi ngờ bị mắc bệnh. Bên cạnh đó, mỗi năm 2 lần, hơn 100 cán bộ y tế thôn của huyện được tập huấn kiến thức về phòng chống lao lồng ghép với các chương trình y tế khác. Công tác truyền thông nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh lao được thực hiện thường xuyên nên hiểu biết về bệnh lao của người dân được cải thiện rõ nét...

Giai đoạn 2006-2010, hoạt động phòng chống lao tại tỉnh Hưng Yên cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Công tác truyền thông được quan tâm đẩy mạnh, qua đó  hiểu biết của người dân về bệnh lao được nâng cao, góp phần vào sự thành công bền vững của chương trình phòng chống lao.

Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao cơ bản đạt mục tiêu đề ra. 5 năm qua, toàn tỉnh phát hiện trên 5500 trường hợp mắc lao các thể. Nghĩa là, trung bình cứ 100 nghìn người dân trong tỉnh đã phát hiện có 102 người mắc lao. Trong đó, gần 3000 trường hợp mắc lao phổi là nguồn lây (AFB ), chiếm 50,5% tổng số lao các thể, với tỷ lệ bệnh nhân lao (AFB ) là 56 bệnh nhân/100 nghìn dân. 5 năm qua, các huyện, thành phố đã thực hiện tốt hoạt động khám phát hiện bệnh nhân lao. Nhiều địa phương làm tốt công tác này như: Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi… Tuy nhiên, công tác phát hiện bệnh chưa đồng đều tại các địa phương. Một số địa phương tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao còn thấp so với yêu cầu như Văn Giang, Văn Lâm...

Song song với kết quả đó, hoạt động điều trị lao bảo đảm tỷ lệ khỏi đạt và vượt chỉ tiêu của CTCLQG.  Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi là nguồn lây mới được điều trị khỏi đạt 91,9%. Tỷ lệ bệnh nhân thất bại điều trị duy trì ở mức thấp 0,1%. Riêng 2 năm 2009, 2010 không có bệnh nhân thất bại điều trị... Công tác xét nghiệm đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống lao của tỉnh. 5 năm qua, toàn tỉnh xét nghiệm đờm cho trên 40 nghìn người, chiếm 0,75% dân số. Kết quả cho thấy, cứ khoảng 13 người xét nghiệm đờm, phát hiện 1 trường hợp mắc lao phổi là nguồn lây. Đến nay các huyện thị đã có phòng xét nghiệm lao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân. Số bệnh nhân lao phổi không là nguồn lây và bệnh nhân lao ngoài phổi được thu nhận vào điều trị chủ yếu tại bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn 2006- 2010, việc triển khai các hoạt động phòng chống lao còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian khá dài do sự phối hợp "lỏng lẻo" giữa phòng y tế và Trung tâm y tế huyện khiến hiệu quả công tác phòng chống lao bị sụt giảm. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác chống lao còn thiếu ở tất cả các tuyến. Thực tế, ngay cả bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cũng thiếu bác sỹ vì sức hút nghề nghiệp thấp hơn so với các chuyên khoa khác. Các trung tâm y tế huyện cũng thiếu hụt kể cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, cán bộ làm công tác chống lao hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên khoa cơ bản. Tại tuyến xã, cán bộ y tế phải kiêm nhiều nhiều chương trình... trong khi đãi ngộ còn thấp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể với dự án phòng chống lao chưa thực sự chặt chẽ. Bệnh nhân lao còn giấu bệnh, sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế…

 Để góp phần giảm tỷ lệ mắc, chết và lan truyền bệnh lao trong cộng đồng, phòng ngừa bệnh lao kháng đa thuốc, phấn đấu đến năm 2015 giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000, tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát và quan tâm tới bệnh lao; nâng cao sự hiểu biết, tham gia ủng hộ của cộng đồng trong công tác phòng chống bệnh lao; sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp tới công tác phòng chống lao; bảo đảm cung cấp dịch vụ DOTS chất lượng cao tại các tuyến nhằm phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân mắc lao; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho người nghèo; triển khai và phát triển y tế công, tư trong công tác phòng chống lao...

Tin mới nhất

Thông tin về tình hình bệnh Dại trên người(20/03/2024 9:38 SA)

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024(08/01/2024 1:19 CH)

Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm...(05/01/2024 1:21 CH)

HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH SÁP NHẬP CÁC TRƯỜNG(30/12/2023 2:29 CH)

Triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn huyện...(25/10/2023 7:09 SA)

HUYỆN TIÊN LỮ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM DỊP TẾT TRUNG THU NĂM 2023(10/09/2023 7:02 SA)

TRƯỜNG TIỂU HỌC AN VIÊN : KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI(05/09/2023 1:28 CH)

Trường Tiểu học Thụy Lôi tổ chức khai giảng năm học và đón cờ thi đua của UBND tỉnh(05/09/2023 8:54 SA)

°
16 người đang online